+Aa-
    Zalo

    Hiến máu nhân đạo: Lấy máu của người hiến không xét nghiệm để đáp ứng chỉ tiêu?!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - TT Hiến máu nhân đạo TP.HCM cắt giảm bước quan trọng nhất là xét nghiệm máu. Việc này khiến nhiều người đến hiến máu rơi vào cảnh mất máu và ảnh hưởng đến SK.

    (ĐSPL) - Theo quy định của bộ Y tế, quy trình tham gia hiến máu bắt buộc phải trải qua 5 bước, nhưng chẳng hiểu sao trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM lại cắt giảm luôn bước quan trọng nhất là… xét nghiệm máu. Việc làm này khiến nhiều người đến hiến máu rơi vào cảnh mất máu oan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. PV báo ĐS&PL đã trực tiếp thâm nhập vào cơ sở hiến máu này và phát hiện không ít sự thật giật mình.

    Hiến máu không cần xét nghiệm?

    Mới đây, báo ĐS&PL liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về việc trung tâm Hiến máu nhân đạo (trung tâm HMNĐ) TP.HCM không làm xét nghiệm máu cho người lần đầu tiên đến hiến, mà chỉ khám qua loa rồi cho vào phòng lấy máu (?!). Để tìm hiểu sự việc, trong vai người đến hiến máu, PV đã tìm đến Trung tâm này. Vừa bước vào cửa, PV được một nhân viên đưa cho tờ giấy và bảo điền đầy đủ thông tin vào đó. Sau khi khai đầy đủ tên tuổi, số chứng minh nhân dân và những thông tin về sức khỏe, PV được chỉ vào một phòng nhỏ, trong đó một người phụ nữ mặc áo blouse trắng, nhưng không có bảng tên cũng như chức danh đợi sẵn. PV cũng chẳng biết người phụ nữ đó là bác sỹ hay y tá, chỉ thấy trên áo thêu chữ Thảo.

    Sau vài câu hỏi về tình hình sức khỏe, người phụ nữ tiến hành đo huyết áp, chiều cao và cân nặng. Chỉ vài động tác qua loa như vậy, người phụ nữ đó đã kết luận PV có đủ điều kiện để hiến máu (?!). Tuy nhiên, khi biết PV mới hết kinh (bệnh phụ nữ), người này hẹn 7 ngày sau quay lại để lấy máu.

    Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM.

    Thấy người phụ nữ đó chỉ khám sơ sài, không cho thử máu trước khi hiến như những Trung tâm khác, PV thắc mắc tại sao không lấy máu đi xét nghiệm xem có đạt chất lượng để hiến không thì người này giải thích: “Ở Trung tâm này không cần phải xét nghiệm trước, lấy máu xong rồi mới mang đi xét nghiệm. Nếu máu em không đạt tiêu chuẩn thì Trung tâm sẽ bỏ đi. Còn nếu bị bệnh truyền nhiễm thì em sẽ được thông báo và gọi đến đây để tư vấn miễn phí”. PV thắc mắc là nếu chẳng may PV bị bệnh thiếu máu hay viêm gan B, không xét nghiệm thì sao phát hiện ra được, nếu lấy máu của PV mà không dùng được sẽ vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến máu. Nghe vậy, người phụ nữ trả lời ngắn gọn: “Thì phải chấp nhận thôi, nếu máu không dùng được thì phải bỏ đi”.

    Rời khỏi Trung tâm, chúng tôi tiếp xúc với anh Nguyễn Văn N. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) là người thường xuyên đến Trung tâm để hiến máu. Anh N. cho biết, đây là lần thứ 19 anh đến đây để hiến máu. Tuy nhiên, theo lời anh này, lần đầu tiên anh đến Trung tâm hiến máu cũng chỉ điền thông tin, sau đó khám sơ qua thấy đủ sức khỏe là bác sỹ cho vào lấy máu chứ cũng chẳng xét nghiệm gì trước khi hiến.

    Còn chị P.M.H. (ngụ quận 10, TP.HCM) buồn rầu kể: “Lần trước, tôi cùng bạn đến Trung tâm để hiến máu. Bác sỹ đo chiều cao, cân nặng và huyết áp, khi thấy tôi đủ sức khỏe, bác sỹ của Trung tâm bảo tôi vào phòng và rút 250ml máu. Đến hôm nay, tôi cùng bạn đến đây để tiếp tục hiến máu, sau khi xem hồ sơ bác sỹ bảo máu tôi không đạt chất lượng nên không lấy nữa, máu tôi hiến lần trước đã bỏ đi. Nghe vậy tôi rất buồn, tại sao Trung tâm không xét nghiệm xem máu tôi có đạt chất lượng để hiến hay không rồi hãy lấy máu của tôi? Nếu biết không đạt thì khỏi lấy máu để tôi đỡ phải bị mất máu oan”.

    Biết sai nhưng vẫn làm (?!)

    Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao trung tâm HMNĐ TP.HCM lại bỏ qua bước quan trọng nhất trong quy trình hiến máu là xét nghiệm, PV đã liên lạc với bác sỹ Phạm Văn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm. Trao đổi với PV, bác sỹ Quân cho biết: “Chúng tôi biết, theo Thông tư 26 hướng dẫn về hoạt động truyền máu của bộ Y tế, người trước khi hiến máu thì phải xét nghiệm xem máu có đảm bảo chất lượng để lấy không. Tuy nhiên, chúng tôi không làm việc này, vì không được trang bị con người cũng như vật tư, thiết bị để làm các xét nghiệm cận lâm sàng trước khi lấy máu”.

    Cũng theo bác sỹ Quân, toàn bộ máu mà Trung tâm nhận của người hiến đều chuyển hết về bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM. Thế nên, nhiều lần Trung tâm có làm công văn gửi sang phía bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM để yêu cầu bệnh viện trang bị thiết bị cho Trung tâm, để thực hiện các xét nghiệm huyết sắc tố và viêm gan B trước khi lấy máu của người hiến, nhưng Bệnh viện này không cung cấp và cũng không trả lời vì sao không cung cấp. Vì vậy, dù biết sai quy trình, nhưng trung tâm HMNĐ TP.HCM vẫn phải lấy máu của người hiến mà không xét nghiệm trước, để đáp ứng đủ chỉ tiêu mà thành phố giao (?!).

    Ngoài việc không xét nghiệm trước khi lấy máu của người hiến, bác sỹ Quân còn giải thích về việc tại Trung tâm bác sỹ khám bệnh thì không có bảng tên, chức danh là do Trung tâm đang làm lại bảng tên mới. Bên cạnh đó, bác sỹ Thảo là bác sỹ mới vào làm việc tại Trung tâm hơn 1 tháng nên Trung tâm chưa kịp làm bảng tên cũng như chức danh cho bác sỹ Thảo.

    Theo tìm hiểu của PV, trung tâm HMNĐ TP.HCM là một trong những trung tâm lớn. Hàng năm, Trung tâm này tiếp nhận hơn 100 ngàn lượt người đến hiến máu. Thế nhưng, điều lạ, tất cả những người đến đây để hiến máu, đều không được xét nghiệm để kiểm soát đầu vào của nguồn máu có đạt chất lượng để ra, có bao nhiêu đơn vị máu phải bỏ đi lãng phí vì việc làm sai quy trình này?

    Để làm rõ thêm thông tin, PV đã đến bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM tìm hiểu về lý do vì sao không cung cấp thiết bị cho Trung tâm để làm xét nghiệm. Khi PV đến, nhân viên văn phòng của bệnh viện cho biết, lãnh đạo đều đi vắng và đề nghị PV làm công văn gửi sang, khi nào nhận được công văn lãnh đạo sẽ trả lời. Báo ĐS&PL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc hi hữu này.

    Không xét nghiệm cho người lần đầu đi hiến máu là hoàn toàn sai phạm

    Trao đổi với PV về quy trình hiến máu cũng như tác hại của việc lấy máu những người đang bị bệnh, GS. TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Quy trình hiến máu bắt buộc phải có 5 bước: Đăng ký tham gia hiến máu; Khám và tư vấn sức khoẻ; Xét nghiệm máu, người hiến máu sẽ được làm các xét nghiệm kiểm tra trước hiến máu, bao gồm: Huyết sắc tố: Là thành phần quan trọng của hồng cầu, xét nghiệm này nhằm đảm bảo máu của người hiến đủ chất lượng theo quy định để truyền cho người bệnh. Đạt tiêu chuẩn hiến máu khi lượng huyết sắc tố đạt trên 120gam/lít. Xét nghiệm virus viêm gan B: Bằng kít xét nghiệm nhanh, để đảm bảo những người có virus viêm gan B không tham gia hiến máu. Bước 4: Hiến máu. Bước 5: Nghỉ và nhận giấy chứng nhận sau hiến máu. Đây là 5 bước bắt buộc mà tất cả các nơi tiếp nhận máu của người hiến đều phải thực hiện đủ. Nếu trung tâm HMNĐ TP.HCM mà bỏ qua, không xét nghiệm huyết sắc tố và viêm gan B cho người lần đầu đến hiến máu là hoàn toàn sai phạm. Bên cạnh đó, nếu không xét nghiệm, khó có thể phát hiện ra những người bị bệnh viêm gan B. Nếu lấy máu của những người này, vừa không sử dụng được vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh”.

    THU HIỀN

    [mecloud]OurBjV0X9W[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hien-mau-nhan-dao-lay-mau-cua-nguoi-hien-khong-xet-nghiem-de-dap-ung-chi-tieu-a136700.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.