+Aa-
    Zalo

    Hi hữu làng "5 không" ở Bắc Giang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Làng không có đường, không có đất, không có hệ thống điện, nước riêng và thay vì tậu đất, làm nhà, người dân sắm thêm thuyền cho các cặp vợ chồng ra ở riêng.

    Làng Nguyệt Đức, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có gần 200 hộ neo thuyền dọc sông Cầu, nơi giáp ranh hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Làng không có đường, không có đất, không có hệ thống điện, nước riêng và thay vì tậu đất, làm nhà, người dân sắm thêm thuyền cho các cặp vợ chồng ra ở riêng.

    Làng “5 không”

    Muốn đi tới làng Nguyệt Đức, khách phải gửi xe ở nhà dân ở thôn Yên Viên rồi theo con đường nhỏ rộng chừng 1m dẫn ra bến sông, rồi gọi điện thoại cho chủ nhà đưa thuyền xi măng ra đón. Mấy chục năm nay, gần 200 gia đình sống ở đây, lấy thuyền làm nhà, nước sông làm đất, thả neo xuống mà sinh cơ lập nghiệp.

    Hi hữu làng ‘5 không’ ở Bắc Giang

    Một góc làng vạn đò Nguyệt Đức, xã Vân Hà, Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: N.T.

    Ông Trần Văn An, Trưởng thôn Nguyệt Đức, cho biết, từ khoảng những năm 1960, Hợp tác xã Vận tải đường thủy Nguyệt Đức được thành lập với hàng chục chiếc thuyền vận chuyển hàng hóa trên sông phục vụ nhu cầu nhiều địa phương xung quanh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nội… Sau đó, Hợp tác xã tan rã. Vốn gắn bó sông nước, lại thêm lúc đó nhu cầu vận chuyển đường sông tăng mạnh, người dân Nguyệt Đức có thu nhập cao, nên các hộ không muốn lên bờ, dần dần hình thành làng chài như bây giờ.

    Thôn Nguyệt Đức hiện vẫn chịu sự quản lý về mặt hành chính của xã Vân Hà. Đây là thôn duy nhất không có đường, không có đất, không có khu sinh hoạt cộng đồng tập trung, không có đường điện, nước sạch riêng. Hầu như toàn bộ sinh hoạt của người dân diễn ra trên sông nước. Mỗi gia đình sinh sống trên một chiếc thuyền xi măng khoảng 40 - 50m được bố trí như một ngôi nhà trên mặt đất với nhiều phòng thông nhau: phòng khách, phòng ngủ, bếp, khu vệ sinh…

    Chỉ vào xác một chiếc thuyền xi măng nham nhở, ông An cho biết: “Đây là đất của con trai cả vừa mới lấy vợ. Đợt tới, chắc phải đầu tư vài trăm triệu để làm nhà cho chúng nó”. Ngoài nhà chính, những gia đình có điều kiện còn sắm thêm cả nhà để chứa đồ, chăn nuôi, thậm chí để trồng… cây cảnh. Dù sống trên thuyền và thường có nhiều thuyền nhỏ để đi lại, nhưng các gia đình đều có ít nhất một chiếc xe máy gửi ở một nhà thờ thuộc giáo phận Bắc Ninh để khi lên bờ vẫn có thể vi vu trên mặt đất.

    Sống đậu, chết nhờ

    Thu nhập chính của người Nguyệt Đức dựa vào những chuyến lênh đênh nhiều ngày trên sông nước vận chuyển thuê cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu. 

    Chủ yếu các thuyền của Nguyệt Đức là chở than. Nhưng mấy năm gần đây, Nhà nước hạn chế xuất khẩu than sang Trung Quốc khiến cho dân Nguyệt Đức kiệt quệ. Thời gian qua đã có khoảng 80 thuyền phải nằm ở nhà vì không có việc làm. Lại phải đi hút cát ở dưới sông mà bán. Mà cát cũng đang cạn kiệt…”, ông An ngậm ngùi. 

    Đã thế, các khu vực mà người Nguyệt Đức thả neo dài cả cây số, dọc hai bên bờ sông Cầu đang bị thu hẹp dần. “Các hộ dân trên bờ làm nhà chìa ra cả bờ sông, đời nào muốn cho chúng tôi ở bên cạnh. Họ tìm nhiều cách để đuổi chúng tôi đi. Vậy nên, nhiều gia đình phải dạt về mãi phía Yên Phong (Bắc Ninh) để ở”, một người dân Nguyệt Đức nói.

    Gia đình nào quan hệ tốt với các hộ dân trên bờ mới kéo được đường nước sạch xuống thuyền để nấu ăn. Trong khi đó, tình trạng các loại rác thải sinh hoạt được xả xuống sông cùng với nguồn nước thải của người dân các thôn Yên Viên, Thổ Hà gần đó khiến cho nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng. Trưởng thôn Trần Văn An luôn đau đáu cho đường điện của thôn. Cuộc họp nào của xã, huyện, ông cũng nêu vấn đề này ra với mong muốn thôn có đường điện riêng, để con em được có ánh sáng học hành tử tế, nhưng đều bị ngành điện từ chối với lý do không an toàn, không ổn định. 

    Lo cho người sống chưa xong, Nguyệt Đức còn phải loay hoay tìm nơi an táng cho người chết. Nhiều năm trước các hộ ở đây đã chung tiền mua một khoảnh đồi khoảng 1.000m2 ở xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) để làm nơi chôn cất, nhưng vẫn là chôn nhờ trên đất người khác. Theo tính toán của ông An, khoảng chục năm nữa, khu ấy hết đất chôn.

    Những đốm lửa hồng

    Cách đây khoảng 20 năm, ở Nguyệt Đức, nhà nào đông con có đến số hàng chục, ít cũng 5 - 6 nhóc trên thuyền. Tuy nhiên, hơn chục năm nay, Nguyệt Đức được công nhận là làng văn hóa cấp huyện. Nguyên nhân chính là không sinh con thứ 3. 

    Ông Nguyễn Trọng Hội, Chủ tịch xã Vân Hà cho biết, đây là kết quả của việc tuyên truyền mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, người dân nơi đây cũng đã ý thức được việc có nhiều con dễ dẫn tới đói nghèo. 

    Tính đến nay, thôn đã có 5 người đỗ đại học, một con số trước đây người Nguyệt Đức chưa bao giờ dám nghĩ tới. Con dâu ông trưởng thôn vừa được kết nạp vào Đảng, chấm dứt tình trạng mấy chục năm trắng đảng viên ở thôn Nguyệt Đức.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hi-huu-lang-5-khong-o-bac-giang-a41329.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Những đôi mắt đầy ám ảnh ở ngôi làng ung thư

    Những đôi mắt đầy ám ảnh ở ngôi làng ung thư

    Từ khi mang tiếng là làng ung thư đến nay đã 20 năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn còn để người dân của ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Nưa (Thanh Hóa) khắc khoải vì chưa đưa ra nguyên nhân dẫn đến căn bệnh quái ác này.