(ĐSPL) - Chiều ngày 8/7, những liều vắc xin 5 trong 1 cuối cùng của Trung tâm Ytế Dự phòng Hà Nội sẽ được tiêm nốt cho trẻ đã được phát số thứ tự đợi tiêm.
Chen lấn tiêm vắcxin 5 trong 1 cho trẻ, nhiều người phải về không
Cảnh chen lấn tiêm phòng vắc xin cho trẻ ở Công ty TNHH MTV Sinh phẩm số 1 (Cầu Giấy). |
Thiếu vắc xin 5 trong 1 chỉ là “cục bộ”
Về việc thiếu vắc xin 5 trong 1, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, chương trình tiêm chủng mở rộng (CT TCMR) hiện nay đã có 11 loại vắc xin đáp ứng đủ nhu cầu nhân dân trên địa bàn Hà Nội. Thực tế, ngoài các loại vắc xin CT TCMR thì trên thị trường có khoảng hơn 20 loại vắc xin khác nhau để phòng các bệnh. Tất cả các loại vắc xin trên thế giới có thì ở Việt Nam cũng đã nhập được nhưng số lượng có hạn.
Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm. |
"Về vắc xin 5 trong 1, đợt này Trung tâm chỉ tiếp nhận được 2.000 liều, chỉ tiêm trong 1 tuần là hết.
Nhu cầu tiêm chủng là chính đáng và nhà nước rất khuyến khích việc người dân tiêm chủng phòng bệnh. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh tốt, hiệu quả nhất.
Vắc xin hiện nay có nhiều loại, và nhu cầu của nhân dân cũng vậy. Ví dụ như cùng loại vắc xin nhưng người dân lại chọn các hãng sản xuất khác nhau như của Bỉ, Pháp, Mỹ, Nhật…nên rất khó có thể đáp ứng cho từng đối tượng.
Phía các cơ sở tiêm chủng lúc nào cũng mong muốn có đủ vắc xin để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhưng thời gian gần đây, vắc xin dịch vụ bị gián đoạn. Vì vậy, giải pháp trước hết của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội là tuyên truyền cho người dân biết có nhiều lựa chọn như tiêm chủng theo CT TCMR hoặc sử dụng các vắc xin thay thế có cùng thành phần", ông Cảm nói.
Trả lời câu hỏi của PV báo Đời sống và Pháp luật về phương án chủ động dự trữ vắc xin, ông Cảm cho hay, việc này có cái khó là toàn bộ nguồn vắc xin nhập khẩu nên phải phụ thuộc vào nhà sản xuất. Để sản xuất được một lô sản phẩm phải mất từ 6 tháng tới 1 năm; tiếp đó mất khoảng 3 đến 4 tháng kiểm định nhập khẩu, phân phối sau khi sản xuất xong. Khi nhập về Việt Nam phải mất 3 tháng để kiểm nghiệm lâm sàng...
Thực tế, nhà sản xuất vắc xin không nhiều, tuổi thọ vắc xin không cao (chỉ được từ 2-3 năm) trong khi thuốc khác được 5 năm; việc bảo quản vắc xin rất nghiêm ngặt (từ lúc sản xuất cho đến khi sử dụng, vắc xin được bảo quản trong dây truyền lạnh từ 2-8 độ C). Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc tạm thời hết vắc xin 5 trong 1 vào thời điểm này.
"Trên thực tế, đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng thiếu vắc xin. Người Việt Nam thường khi có bệnh mới lo đi chữa chứ chưa có phương án phòng bệnh lâu dài, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt vắc xin dịch vụ", ông Nhật Cảm nói.
Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa được tốt, người dân chưa nắm được nội dung, quy trình tiêm chủng. Nếu chưa có thuốc, người dân tiêm chủng theo chương trình mở rộng thì công tác cung cấp vắc xin đỡ áp lực hơn. Chính vì vậy, người dân cần nhận thức rõ, cứ đến tuổi, đến lịch thì cần cho trẻ đi tiêm chủng mở rộng, không chờ đến lúc có dịch bệnh mới đi tiêm như tình trạng hiện nay.
Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Nhật Cảm cho hay, Trung tâm đã tăng cường các bàn tư vấn, tiêm vắc xin cho người dân. Các đối tượng có nhu cầu tiêm mà chưa được tiêm đợt này thì có thể tiêm vắc xin theo CT TCMR sau một tháng, sẽ tiếp tục có những lô vắc xin mới về để đáp ứng nhu cầu người dân.
Người dân cần linh hoạt không chờ vắc xin dịch vụ
Cũng về vấn đề này, bà Đặng Thị Kim Hạnh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc xin và sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội khuyến cáo người dân không nên lo ngại đối với vắc xin thuộc CT TCMR. Thực tế, hiện nay do người dân cầu kỳ muốn sử dụng những vắc xin dịch vụ để giảm phản ứng phụ (sưng, nóng, đỏ, đau) nhưng thực thế lại không phải là vậy.
Bà Đặng Thị Kim Hạnh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc xin và sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. |
Bản chất thì hai loại thuốc miễn dịch và bảo vệ như nhau. Cách lựa chọn thông minh nhất là đừng có chờ đợi vắc xin dịch vụ. Chúng tôi vẫn tuyên truyền, khuyến cáo với người dân, sau 2 tháng em bé hết khả năng miễn dịch từ mẹ truyền sang con, thì lúc đó có khả năng bị nhiễm bệnh ho gà thì nên tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván luôn. Nếu các mẹ cứ chờ đến 4, 5 tháng mới tiêm thì con mắc ho gà thì sẽ phải làm sao?
Hiện nay, Trung tâm ưu tiên các em bé trước đây có tiền sử bị ốm không tham gia CT TCMR, đến nay đã quá muộn không thể tham gia chương trình nữa. Chính vì vậy có hiện tượng người dân có những bức xúc trước tình trạng cháu này được tiêm, cháu kia không được tiêm là không đúng.
Mặt khác, khi người dân đã tiêm Quinvaxim ở phường rồi sau một tháng (mũi sau) có thể tiêm 5 trong 1 dịch vụ. Hoặc mũi 1 tiêm dịch vụ, mũi 2 tiêm miễn phí tại phường hoàn toàn được. Tóm lại, nên lựa chọn đúng thời điểm đi tiêm, không cầu kỳ chờ vắc xin dịch vụ.
Theo quan sát của PV, hiện nay rất nhiều người có nhu cầu tiêm lại vắc xin 5 trong 1 nhưng chưa được tiêm. Chính vì vậy, qua khuyến cáo của lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thì người dân có thể tiêm theo CT TCMR vì đến tháng 8 mới có vắc xin 5 trong 1 được nhập về. Các phụ huynh không nên để lỡ cơ hội tiêm chủng của các cháu tại các điểm tiêm chủng ở địa phương mình sinh sống.
Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định luôn có đủ vắc xin và bảo đảm chất lượng để tiêm cho người dân có nhu cầu trong CT TCMR. Người dân nên tham gia đầy đủ, đúng lịch. Vắc xin 5 trong 1 là vắc xin dịch vụ, phụ thuộc vào đơn vị nhập khẩu, phân phối nên chưa thể chủ động và đáp ứng được đủ nhu cầu người người sử dụng, hy vọng trong thời gian tới tình hình sẽ được cải thiện hơn. |