+Aa-
    Zalo

    Hé lộ quy định “ngầm” của công ty mua bán nợ và mức án phải đối mặt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chủ nợ sẽ “bán nợ” để Công ty Hưng Thịnh đi thu hồi nợ. Song trên thực tế, việc bán khoản nợ này chỉ là trên giấy, không có tiền thực, giữa hai bên tự thỏa thuận ăn chia nếu đòi được tiền.

    Quy định “ngầm” trong giới đòi nợ thuê

    Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Tống Văn Vịnh (48 tuổi, Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh) cùng 8 đồng phạm để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc.

    Tài liệu cơ quan điều tra thể hiện, nhóm Vịnh đã thành lập công ty ma bán nợ, mua tên miền trang web, lập trang Facebook để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ “xấu”, nợ khó đòi. Tống Văn Vịnh được xác định là đối tượng cầm đầu tổ chức này.

    he lo quy dinh ngam cua cong ty mua ban no hung thinh va muc an phai doi mat
    Đối tượng Tống Văn Vịnh - Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh.

    Công ty có mô hình tổ chức, phân công các đội, tổ hoạt động với các quy định “ngầm”. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán nợ, công ty cho nhân viên đi gửi thông báo cho con nợ, gửi thông báo cho công an cơ sở về thời gian đến làm việc.

    Công an TP Hà Nội xác định, năm 2010, bà L.A có góp vốn 2,5 tỷ đồng với anh Đ.T.A. (Giám đốc Công ty TNHH tin học công nghệ kỹ thuật số) để kinh doanh. Công ty sau đó làm ăn thua lỗ nên bà L.A đã đòi tiền nhiều lần nhưng anh T.A không trả.

    Tìm hiểu trên mạng, bà L.A đã tìm đến Công ty cổ phần mua bán nợ Hưng Thịnh, Hà Nội.

    Vịnh trên danh nghĩa Phó Giám đốc công ty đã ký hợp đồng với bà L.A. Theo đó bà L.A bán khoản tiền 2,5 tỷ đồng anh T.A để Công ty Hưng Thịnh đi thu hồi nợ. Song trên thực tế, việc bán khoản nợ này chỉ là trên giấy, không có tiền thực, giữa hai bên tự thỏa thuận ăn chia nếu đòi được tiền.

    Sau khi ký hợp đồng, Vịnh chỉ đạo các đàn em và cũng trực tiếp đến nhà anh T.A. để đe dọa, chửi bới nhằm đòi 2,5 tỷ đồng của bà L.A.

    Các đối tượng đã ép anh T.A. phải viết và ký vào một giấy vay nợ 1,5 tỷ đồng, cam kết trả trước 200 triệu đồng vào ngày 29/10. Sau đó, cứ mỗi tháng, anh T.A. phải trả 100 triệu đồng đến khi hết tiền nợ.

    Những ngày tiếp theo, nhóm đối tượng thu hồi nợ liên tiếp gây sức ép, đe dọa, buộc anh T.A trả tiền. Trong thời điểm anh T.A. đưa cho các đối tượng 50 triệu đồng thì lực lượng chức năng đột kích, bắt quả tang.

    Có thể đối diện mức án cao nhất lên đến 20 năm tù

    Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Căn cứ vào việc bị can Vịnh cùng các bị can liên tục đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản nên bước đầu cơ quan điều tra tiến hành khởi tố các bị can với tội danh Cưỡng đoạt tài sản là có căn cứ.

    he lo quy dinh ngam cua cong ty mua ban no hung thinh va muc an phai doi mat1
    Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt.

    Theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cưỡng đoạt tài sản được hiểu là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

    Dựa vào tình tiết ban đầu, có thể nhận định rằng Công ty Hưng Thịnh thực hiện hành vi đòi nợ thuê có tổ chức và có tính chuyên nghiệp, khoản tiền cưỡng đoạt lại có giá trị lớn. Theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì các bị can có thể bị phạt tù mức cao nhất lên tới 20 năm và bị phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Nếu trong quá trình điều tra phát sinh thêm yếu tố bạo lực hoặc phía bị can có sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác để chiếm đoạt tài sản của bị hại thì có thể cấu thành tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

    Theo Điều 168, BLHS năm 2015, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

    Ngoài tội danh cưỡng đoạt tài sản, Cơ quan CSĐT còn khởi tố các đối tượng về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Luật sư Ngân cho biết, chế tài cho hành vi đánh bạc có thể bị phạt tù tối đa 3 năm và nộp phạt 50 triệu đồng theo Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Còn tội danh Tổ chức đánh bạc thì có thể bị phạt 10 năm tù, tịch thu toàn bộ tài sản theo Điều 322 Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-quy-dinh-ngam-cua-cong-ty-mua-ban-no-va-muc-an-phai-doi-mat-a557004.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Biến tướng của “đòi nợ thuê”

    Biến tướng của “đòi nợ thuê”

    Sau khi Luật Đầu tư sửa đổi với quy định cấm “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được thông qua, dịch vụ đòi nợ thuê bị “khai tử”. Tuy nhiên, loại hình này lại biến tướng sang một dạng khác để núp bóng.