Từ ngày 01/01/2021, Quốc hội chính thức cấm tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, các doanh nghiệp phải tính đến chuyện đóng cửa, cho nhân viên tìm kiếm công việc mới để không bị rơi vào cảnh thất nghiệp. Dù chấp hành theo các quy định của pháp luật, nhưng không ít công ty vẫn rơi vào “khủng hoảng” khi nhiều hợp đồng còn đang dở dang, một số con nợ mà doanh nghiệp đang thu hồi cũng chây ì vì biết nghề này bị cấm.
Theo nhiều chuyên gia, sau khi cấm dịch vụ đòi nợ thuê, nhiều khả năng các công ty đòi nợ sẽ “biến hóa”, chuyển đổi hình thức như hoạt động dưới mô hình công ty mua bán nợ. Để thích nghi, nhiều tiệm cầm đồ, cho vay ngụy trang bằng các công ty hỗ trợ vốn. Đây là những hình thức tín dụng đen lãi suất từ 200 - 800%/năm. Không dừng lại, những tổ chức điều hành các đường dây tín dụng đen còn lợi dụng “mảnh đất” khó kiểm soát là mạng internet để hoạt động với nhiều chiêu trò cho vay nhanh chóng.
Với thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng nhưng khi thu hồi nợ, các đối tượng đòi nợ thường sử dụng những biện pháp manh động như đe dọa, đập phá, thậm chí khủng bố tinh thần. Cách đòi nợ này đã “phát huy” hiệu quả, nên số lượng công ty đòi nợ thuê có thời kỳ đã mọc lên rất nhiều. Đáng chú ý là những đối tượng điều hành những tổ chức tín dụng cho vay - đòi nợ theo kiểu xã hội đen ngày càng trẻ hóa và biết tận dụng công nghệ 4.0.
Một “con nợ” bị nhóm đòi nợ thuê xịt sơn lên nhà (Ảnh minh họa)
Công an TP Quy Nhơn (Bình Định) cho biết mới đây đơn vị này đã tiếp nhận đơn tố cáo và tiến hành điều tra xác minh làm rõ vụ việc vay tiền giữa nữ sinh viên tên P.L.K.N. (20 tuổi, trú tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và người bạn đồng hương. N. tố cáo nam sinh viên N.H.A (20 tuổi; cùng thường trú tại phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn) có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Theo đó, vào tháng 3 năm nay, N. có vay của A. 12 triệu đồng nhưng đến tháng 8 đã phải trả 168 triệu đồng. Tuy nhiên N. vẫn bị đòi thêm 125 triệu đồng nữa.
Để đòi nợ, A. đã dẫn theo nhiều người đến nhà N. ở TP. Quy Nhơn để hăm dọa. Cũng trong thời gian này, gia đình N. liên tục bị tạt sơn, mắm tôm, chất bẩn… vào nhà. Không dừng ở đó, hình ảnh của N. còn bị phát tán trên mạng xã hội facebook để gây áp lực trả nợ.
Cửa nhà của nữ sinh N. liên tục bị tạt sơn và chất bẩn (Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp).
Với nhiều thủ đoạn cho vay “lãi chồng lãi”, nên dù nhiều người chỉ vay một số tiền nhỏ nhưng vẫn phải trả số tiền lãi gấp nhiều lần tiền gốc. Khi không thể trả nợ họ phải chuyển nhượng tài sản có giá trị như căn hộ, ôtô cho chúng, thậm chí bị đe dọa, khủng bố,...
Thời gian qua, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã điều tra một số băng nhóm đến nhà dân đòi nợ và có hành vi đánh đập, đe dọa con nợ, tạt chất bẩn vào nhà. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên tránh xa tín dụng đen, nếu có khó khăn về tài chính nên tìm sự trợ giúp của người thân hoặc các khoản vay vi mô của ngân hàng.
Thượng tá Hoàng Ngọc Cương, Phó trưởng công an quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội cho biết: Quốc hội thông qua Luật Đầu tư cấm hình thức đòi nợ là rất cần thiết bởi thực tế đã có nhiều vụ việc phức tạp do hình thức đòi nợ thuê gây ra. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính là “vỏ bọc” lý tưởng để nạn cho vay nặng lãi, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Thành Lâm