Lạc (hay đậu phộng) rất giàu chất đạm, chất béo và chất xơ. Trong khi lạc có thể có một lượng lớn chất béo, hầu hết chất béo trong chúng được gọi là "chất béo tốt". Những loại chất béo này thực sự giúp giảm mức cholesterol của cơ thể. Lạc cũng là một nguồn tuyệt vời của magie, fomat…
Nhiều người cho rằng lạc không có giá trị dinh dưỡng như các loại hạt thực sự như hạnh nhân, óc chó hoặc hạt điều. Nhưng thực ra, lạc cũng có nhiều lợi ích sức khỏe tương tự như các loại hạt đắt tiền hơn và không nên coi thường nó như một loại thực phẩm bổ dưỡng. Ngoài giá trị dinh dưỡng, lạc còn cung cấp một số chất dinh dưỡng giúp cải thiện sự trao đổi chất và hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh.
Tuy nhiên nếu ăn lạc không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể, làm bệnh trầm trọng hơn. Thậm chí với một số người, lạc lại trở thành món ăn "đại kỵ".
Người bị thận mãn tính
Lạc có hàm lượng protein và chất béo cao, gây áp lực lên thận. Ngoài ra, phốt pho và kali trong lạc có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh thận. Người mắc bệnh thận mãn tính nên hạn chế ăn lạc để bảo vệ sức khỏe thận.
Người có cơ địa dị ứng
Tuy là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể thưởng thức được món lạc. Trường hợp nhẹ có thể xuất hiện các triệu chứng như phát ban ngứa, buồn nôn hoặc sưng mặt.
Tuy nhiên, dị ứng đậu phộng nghiêm trọng có thể gây ra phản ứng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm khó thở, buồn nôn, nôn mửa, co giật, tức ngực, sưng lưỡi, mặt, hoặc môi, buồn ngủ cực độ và cảm thấy chóng mặt, bối rối hoặc choáng váng.
Nếu xuất hiện những triệu chứng trên sau khi ăn lạc, cần nhanh chóng tới khám tại cơ sở y tế.
Người có làn da dầu, mặt nhiều mụn bọc, da tiết cặn bã nhờn nhiều
Lạc chứa rất nhiều chất béo, khi ăn vào sẽ dễ dàng thúc đẩy bài tiết tuyến bã nhờn ở dưới nang lông, tăng thêm sự tiết dầu làm cho da bạn càng nhiều dầu, bóng nhẫy, hoặc nổi mụn.
Ngoài ra, một số món lạc còn chế biến thêm dầu mỡ và bột ớt, đường hoặc các loại hương vị giúp tăng cảm giác ngon miệng, càng làm cho bạn thêm nóng trong và nổi mụn nhiều hơn, da dễ bị kích ứng, dẫn đến viêm chân lông.
Nếu biết mình thuộc loại da dầu, thì nên chú ý ăn lạc ở mức vừa phải, không ăn cùng lúc quá nhiều, hoặc ăn quá dài ngày, triền miên.
Người bệnh gout
Bệnh gout xảy ra do rối loạn chuyển hóa purin, thường có biểu hiện là tăng hàm lượng axit uric trong máu. Vậy nên, bệnh nhân gout không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo như lạc, nhất là trong lúc bệnh đang trong giai đoạn cấp tính bởi sẽ làm giảm sự bài tiết axit uric, làm tình trạng bệnh diễn biến xấu đi.
Ngoài ra, lạc chứa nhiều calo, ăn vào dễ gây tăng cân, được coi là nguyên nhân gián tiếp hình thành bệnh gout Vì vậy, người bệnh gout chỉ nên ăn một lượng rất nhỏ đậu phộng khi bệnh đã thuyên giảm, hoặc không ăn là tốt nhất.
Người mắc tiểu đường
Lạc chứa nhiều calo và chất béo, có thể làm tăng đường huyết. Việc tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa và chuyển hóa có thể dẫn đến các biến chứng như bệnh tim mạch. Người tiểu đường nên cẩn trọng khi ăn lạc và hạn chế khẩu phần.
Người rối loạn mỡ máu
Lạc giàu chất béo và có hàm lượng calo cao, do đó đây không phải là thực phẩm phù hợp cho bệnh nhân bị tăng lipid máu. Nếu ăn nhiều sẽ khiến tình trạng bệnh không được cải thiện, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bệnh nhân cắt túi mật
Túi mật có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Khi túi mật bị cắt bỏ, chức năng này bị ảnh hưởng, dẫn đến khó tiêu và tiêu chảy nếu ăn nhiều lạc Do đó, bệnh nhân cắt túi mật nên hạn chế tiêu thụ lạc để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Người bị rối loạn tiêu hóa
Lạc chứa rất nhiều protein, nếu chúng ta ăn quá nhiều chất đạm cùng lúc sẽ làm tăng gánh nặng cho sự vận hành của đường ruột. Vì vậy, khi có cảm giác đầy bụng, khó tiêu thì hạn chế hoặc không nên tiếp tục ăn lạc.
Bên cạnh đó, nhiều người đang có thói quen ăn lạc sống, đôi khi vì mục đích chữa bệnh. Nhưng do lạc sống chứa rất nhiều dinh dưỡng, khi ăn vào dạ dày sẽ phát huy tác dụng làm trơn ẩm dạ dày. Nếu ăn nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy, vì vậy một số bệnh nhân có bệnh về acid dạ dày khi ăn lạc sống để giảm khó chịu dạ dày, thì nên ăn có kiểm soát, khoảng 1 nửa nắm lạc là đủ.
Người bị bệnh dạ dày
Những bệnh nhân này có chứng đau bụng mãn tính, tiêu chảy, khó tiêu và các triệu chứng khác. Ăn lạc và các loại hạt có hàm lượng protein và chất béo quá cao sẽ gây khó tiêu hóa và hấp thụ. Do đó, các bệnh nhân này không nên ăn lạc.
Người muốn giảm cân
Lạc có lượng calo cao, khoảng 567kcal trong mỗi 100g, tương đương với một bát cơm trắng. Do đó, người muốn giảm cân nên hạn chế ăn lạc để tránh nạp quá nhiều calo. Nên lựa chọn các loại hạt khác ít calo hơn như hạt điều hoặc quả hồ trăn.