Hai bệnh viện phối hợp cứu bé sơ sinh bị bệnh tim
Báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, chị N.T.L (ở Hà Tĩnh) từ khi mang thai ở tuần 20 đã được phát hiện thai nhi có bất thường về tim. Tim của thai nhi chỉ đập khoảng 30-40 nhịp/phút, trong khi bình thường phải là 120-160 lần mỗi phút. Đây là một tình trạng block nhĩ thất độ III rất nguy hiểm.
Chị L. tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được theo dõi tại Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh. Thai nhi có tiên lượng nặng, tim to, có tình trạng block nhĩ thất cấp III, chị được chỉ định nhập viện.
Mặc dù Bệnh viện Nhi Trung ương nằm ngay sát kế bên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhưng với tình trạng bệnh lý nghiêm trọng của thai nhi, việc chuyển viện ngay sau sinh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể dẫn đến tình trạng trụy tuần hoàn, suy tim, thậm chí tử vong.
Ban giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thống nhất cử một ekip bác sĩ tim mạch và hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương do TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch là trưởng ekip phối hợp với bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để thực hiện ca mổ đặt máy tạo nhịp tim cho em bé ngay sau sinh.
Khi thai nhi được 37 tuần, chức năng tim thai diễn biến xấu rất nhanh, không chỉ block nhĩ thất cấp 3 mà còn hở van 3 lá, van 2 lá nhẹ… Vì vậy, Ban Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội quyết định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Các bác sĩ của cả hai bệnh viện đã phối hợp để thực hiện 2 cuộc phẫu thuật nối tiếp nhau. Ca mổ lấy thai thành công, em bé nặng 2,8 kg. Ngay khi bé cất tiếng khóc chào đời, nhịp tim của bé rất thấp, chỉ 30-35 lần/phút.
Ekip phẫu thuật của Bệnh viện Nhi Trung ương ngay lập tức tiến hành phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhi. Sau ca phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhi dần ổn định, được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Một tháng sau, bệnh nhi đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn và sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Đây là ca bệnh thứ 2 thành công với sự phối hợp của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương đặt máy tạo nhịp tim ngay sau sinh cho em bé mắc tim bẩm sinh nặng.
Trường hợp đầu tiên đến nay đã có kết quả rất khả quan, em bé hiện được 11 tháng tuổi và phát triển khỏe mạnh. Điều này cho thấy, sự tiến bộ của y học đã mang đến những hy vọng mới cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.
Bộ Y tế thông tin về chủng virus cúm A/H1pdm
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 23/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có thông tin tới báo chí về chủng virus cúm A/H1pdm khiến 1 nam giới ở Bình Định bị nhiễm và tử vong mới đây.
Theo Cục Y tế dự phòng, chủng cúm A/H1pdm thực chất là chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là Pandemic (pdm).
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa. Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm: A/H3N2, cúm B và cúm C.
Đối với những người mắc bệnh nền, miễn dịch yếu, khi mắc cúm A/H1pdm thì có thể tiến triển nặng, nguy cơ tử vong. Loại virus cúm A/H1pdm cũng có khả năng lây lan nhanh qua tiếp xúc.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Định có báo cáo Bộ Y tế về việc trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm. Bệnh nhân là ông T.V.T. (SN 1973, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) có triệu chứng sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều nên được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh khám.
Tại đây, ông T. được chẩn đoán bị viêm loét dạ dày, rối loạn tiền đình, viêm phế quản, tiên lượng nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Đến chiều 17/10, ông T. hôn mê sâu, thở máy, nhịp tim chậm dần… nên được người nhà xin về và tử vong tại nhà.
Qua điều tra dịch tễ, CDC Bình Định cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tại địa phương này phát hiện 3 ca mắc cúm A/H1pdm.
Bị khàn tiếng, đau rát họng, đi khám phát hiện u dây thanh quản
VTV Times đưa tin, nữ bệnh nhân 27 tuổi, bị khàn tiếng, hụt hơi và mất tiếng thường xuyên. Khi vào viện khám, bệnh nhân phát hiện u ở dây thanh trái.
Theo chia sẻ của người bệnh, khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân khàn tiếng nhiều, nói mệt, hụt hơi, đã đi khám tại Hà Nội và được chẩn đoán: Nang dây thanh đã được tư vấn phẫu thuật, bệnh nhân xin về theo dõi thêm. Gần đây, bệnh nhân khàn tiếng tăng lên, nói hụt hơi kèm theo đau rát họng nhiều.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), các bác sĩ đã thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, kết quả nội soi tai mũi họng kết luận: Khối dây thanh trái, theo dõi u nang dây thanh trái. Sau khi được các bác sĩ tư vấn về tình trạng bệnh và phương pháp điều trị, bệnh nhân đã đồng ý phẫu thuật soi treo cắt khối dây thanh trái và làm giải phẫu bệnh
Sau phẫu thuật 2 ngày, hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định, không cần dùng giảm đau và được ra viện, thực hiện chế độ chăm sóc sinh hoạt theo hướng dẫn của các y bác sĩ.
U nang dây thanh quản là một dạng tổn thương lành tính nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng đến giọng nói. Bản chất của u nang dây thanh là một túi chứa chất lỏng bài tiết từ biểu mô chứa nhiều tuyến nhỏ trên bề mặt dây thanh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể khôi phục lại được giọng nói của mình.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo đến người dân cần thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi thấy có dấu hiệu bất thường về giọng nói, cổ họng và khàn tiếng lâu ngày cần đến ngay các cơ sở y tế thăm khám để điều trị kịp thời.