Giám đốc Sở TNMT cho biết, tới đây, Hà Nội sẽ lắp đặt các trạm rửa xe tự động, yêu cầu các xe ô tô vào nội thành bắt buộc phải rửa xe, tránh mang bụi vào Thành phố.
Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, nhiều năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội diễn ra quá nhanh đã gây ra hàng loạt vấn đề liên quan đến môi trường.
Báo cáo về hiện trạng môi trường hàng năm cho thấy, nồng độ của các chất ô nhiễm như bụi, CO2, CO ở các khu công nghiệp, các trục đường giao thông... hầu như đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Trong đó, riêng về bụi, trung bình mỗi năm, Thành phố Hà Nội tiếp nhận khoảng 80.000 tấn.
Phát biểu tại Hội thảo “Theo dõi và quản lý chất lượng không khí ở Hà Nội: Kinh nghiệm, thách thức và định hướng cho tương lai” diễn ra vào sáng ngày 19/10 vừa qua, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho không khí của Hà Nội đang ngày càng trở nên trầm trọng, trong đó có sự gia tăng không nhỏ của các phương tiện giao thông cũng như các hoạt động chuyên chở vật liệu xây dựng trên đường phố…
Nồng độ bụi trong không khí tại Hà Nội thời gian qua đã cao hơn mức tiêu chuẩn được quy định ít nhất là hơn 2 lần ở thời điểm thấp nhất và gần 8 lần ở thời điểm cao nhất. Ảnh: Nhân dân |
Theo Giám đốc Sở TNMT, nhằm hạn chế ô nhiễm bụi, không khí, Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp như thu dọn rác, đầu tư xe quét rác, hút bụi trên đường phố; xử lý xe chở vật liệu xây dựng không che chắn, để rơi vãi vật liệu ra đường; trồng 1 triệu cây xanh … Đặc biệt, tới đây, Hà Nội sẽ lắp đặt các trạm rửa xe tự động, yêu cầu các xe ô tô vào nội thành bắt buộc phải rửa xe, tránh mang bụi vào Thành phố.
"Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư xây dựng các trạm rửa xe tự động tại các cửa ngõ vào trung tâm Thành phố. Nguồn vốn xây dựng các trạm rửa xe tự động sẽ thu hút từ nguồn xã hội hoá” – Ông Đông khẳng định.
Trước thông tin mà Giám đốc Sở TNMT chia sẻ, nhiều người nhận định rằng, đây là chủ trương rất đáng hoan nghênh vì sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường thành phố, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô.
Hà Nội đề xuất ô tô phải rửa sạch bụi trước khi vào nội thành đang gây ra tranh luận trái chiều. |
Tuy nhiên bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số người lại băn khoăn về tính khả thi của kế hoạch này. Cụ thể, ở nhiều tuyến đường cửa ngõ Thành phố, lượt người và phương tiện tham gia giao thông luôn trong tình trạng đông đúc. Do vậy, việc ô tô xếp hàng chờ đợi để tới lượt rửa xe để được "thông quan" vào nội thành sẽ gây ra không ít bất cập vì diện tích mặt bằng chung như hiện nay khó có thể đáp ứng được một lượng lớn xe ô tô dừng đỗ, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
Có ý kiến còn nêu rõ, trước đây, tại quận Bắc Từ Liêm (huyện Từ Liêm cũ) của thành phố cũng đã thiết lập 1 số trạm rửa xe tự động xịt, rửa xe tải chở vật liệu xây dựng vào khu vực TP như: trạm rửa xe Bến Bạc ở xã Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc), trạm rửa xe Chèm 1 và Chèm 2 ở xã Thụy Phương (nay là phường Thụy Phương), trạm rửa xe ở khu vực xã Tây Tựu (nay là phường Tây Tựu). Tuy nhiên, hiệu quả các trạm rửa xe này không cao, nhiều xe vẫn trốn trạm rửa… Như vậy, nếu kế hoạch "rửa xe giảm bụi" của thành phố đi vào thực tế, cần phải nghiên cứu thực tế một cách kỹ lưỡng, khắc phục được tình trạng bất cập đã từng xảy ra trước đây.
Chưa kể, hiện nay, lưu thông từ ngoại thành vào khu vực nội thành còn có không ít các xe chở phế thải từ các công trình trong nội thành, rồi xe thu gom rác của các công ty vệ sinh các quận... Như vậy, nếu "rửa xe" trở thành quy định bắt buộc thì các loại phương tiện đặc thù này sẽ phải được áp dụng tuân theo cơ chế nào để đảm bảo thuận tiện?
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và hạn chế về quỹ đất hiện nay thì việc triển khai mô hình này chắc chắn sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Do vậy, để có thể "hiện thực hóa" được kế hoạch trên, Thành phố cần có lộ trình và bước đi cụ thể, phù hợp.
Trước đó, theo thông tin từ trang web chuyên cung cấp số liệu ô nhiễm không khí các thành phố trên khắp thế giới theo thời gian thực, chỉ số PM2,5 (bụi dạng hạt lỏng hoặc rắn trôi nổi trong không khí) của thành phố Hà Nội lên tới 388 microgam/m3 - mức cao nhất). Theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh thì chỉ số PM2,5 tiêu chuẩn tại Việt Nam là 50 microgam/m3. Mức này đã cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 25 microgam/m3. Điều này đồng nghĩa với việc nồng độ bụi trong không khí tại Hà Nội thời gian qua đã cao hơn mức tiêu chuẩn được quy định ít nhất là hơn 2 lần ở thời điểm thấp nhất và gần 8 lần ở thời điểm cao nhất. |
Vũ Đậu