+Aa-
    Zalo

    GS. Chu Hà nói về những nguyên tắc trồng cây giúp sinh thái Hà Nội sạch, cây không đổ mùa mưa bão

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hà Nội cần trồng cây gì để vừa có bóng mát, lại chịu được gió bão và cải thiện chất lượng không khí đang ngày một xuống cấp?

    Hà Nội cần trồng cây gì để vừa có bóng mát, lại chịu được gió bão và cải thiện chất lượng không khí đang ngày một xuống cấp?
    Ở Hà Nội, mỗi khi thành phố cho chặt hạ một hàng Xà cừ để phát triển xây dựng là lại dấy lên một làn sóng thương tiếc cây. Thế nhưng, vào mùa mưa bão, cứ mỗi lần Xà cừ đổ lại có không ít người “oán trách” loài cây này. Sự việc đơn lẻ nhưng lại gợi ra bài toán lớn: Hà Nội cần trồng cây gì để vừa có bóng mát, lại chịu được gió bão và cải thiện chất lượng không khí đang ngày một xuống cấp?

    Ngày trước, người Pháp từng triển khai một dự án xây dựng nhằm biến Hà Nội thành một đô thị thuộc địa thực sự theo trường phái thành phố - vườn  (ville -jardin). Do vậy, từ đầu thế kỉ 20, Hà Nội đã được phân chia thành 3 khu vực riêng biệt:

    Khu phố cổ 36 phố phường, gồm nhà ngói ống, đường nhỏ không có không gian cho cây xanh, chỉ ở khuôn viên của mấy đền chùa có trồng cây nhằm tạo cảnh quan. Khu vực này nay được bảo tồn, vì thế việc thay đổi cảnh quan - kể cả không gian xanh được kiểm soát nghiêm ngặt.

    Khu phố Pháp, gồm thành cũ (các phố Hùng Vương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú) đường dài rộng, hè phố cũng rộng, dọc theo hè phố trồng nhiều cây xanh cao, lớn tạo cảnh quan và bóng mát. Cây ở đây được người Pháp trồng từ những năm 1900-1902 với các loài bản địa, điển hình là Sấu; Sưa; Trắc Bắc bộ; Bàng… Đây là những loại cây bám rất chắc, chưa thấy bị đổ gãy trong mưa bão.

    Đặc biệt, khu vực này có vườn Bách thảo được lập ra để ươm các giống cây bản địa và du nhập, chuyên phục vụ cho việc trồng cây trong thành phố. Chính từ vườn ươm này,  Xà cừ được nhân rộng, trồng phổ biến ở đường phố Hà Nội. Được nhập từ châu Phi, cho tán lá rộng, có thể cao tới 45m, thân to, nhưng Xà cừ lại có rễ ăn ngang nên phá hỏng đường, vỉa hè, các công trình ngầm, đặc biệt rất dễ bị bão “quật”.

    Khu vực phố “ô bàn cờ” dành cho các công sở và viên chức Việt và cho Tây”, là nơi nhà xây theo kiểu biệt thự, đường rộng, thẳng, vỉa hè trồng cây lớn. Tràng Tiền là phố đầu tiên từ năm 1885 được lát vỉa hè và hai bên đường trồng Phượng vĩ, mở đầu cho việc trồng cây hè phố. Phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng được trồng hai hàng cây Cơm nguội. Tuy nhiên, loài cây này thường bị sâu bệnh nên sau này được thay thế bằng nhiều loài cây cho bóng mát khác.

    Trồng cây gì, cho khu vực nào... khó có thể chỉ từ ý kiến một cá nhân, hay từ quyết định một chiều, mà phải là kết quả của sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các nhà khoa họcvà quan trọng là sự đồng thuận của người dân

    Sau Cách mạng Tháng Tám, không gian xanh được tăng cường như công viên Thống nhất, công viên Thủ Lệ... Tuy nhiên, việc trồng cây ở đường phố hay xây dựng công viên này chỉ để lấy bóng mát, làm đẹp phố chứ chưa tuân theo đầy đủ về các tiêu chí sinh thái của việc trồng cây xanh. Chính vì vậy, việc thiết kế và lập các đồ án xây dựng không gian xanh cho một đô thị đang phát triển với hạ tầng kiến trúc chắp vá và hiện trạng môi trường chưa được kiểm soát nhất thiết phát tính đến các yếu tố: 

    Khả năng thích ứng của các loại cây trồng với các chất gây ô nhiễm không khí, độ nhạy cảm của từng loài cây.

    Cây trồng chống chịu gió bão an toàn cho người và nhà cửa. Nên loại bỏ những loài cây giòn, dễ đổ, gãy thường là những cây mọc nhanh như Keo lá to, Keo lai, Gạo...

    Tránh chọn những loài cây phát thải carbua hydro góp phần gây ô nhiễm không khí. Đó là những loài cây có tinh dầu như Phi lao, Bạch đàn, Long não...

    Tiêu chí để chọn cây trồng cần được đề ra một cách cụ thể, đảm bảo an toàn cho các công trình ngầm, công trình xây dựng... trên đường phố.

    Nguyên tắc là vậy. Cụ thể trồng cây gì, cho khu vực nào... khó có thể chỉ từ ý kiến một cá nhân, hay từ quyết định một chiều, mà phải là kết quả của sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các nhà khoa học... và quan trọng là sự đồng thuận của người dân.

    GS. Chu Hà - Viện Kinh tế Sinh thái

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gs-chu-ha-noi-ve-nhung-nguyen-tac-trong-cay-giup-sinh-thai-ha-noi-sach-cay-khong-do-mua-mua-bao-a204998.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan