Từ ngày 1/3, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước bắt đầu thực hiện khoán xe công tại 8 cơ quan, đơn vị.
8 đơn vị của thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện chủ trương khoán xe công, trên 40 xe biển xanh được niêm phong chờ điều chuyển hoặc đấu giá gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; các quận: Hà Đông, Long Biên; các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm.
Liên quan đến việc thực hiện khoán xe công, báo Tiền phong dẫn lời ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, là một trong 8 đơn vị đầu tiên áp dụng khoán xe công của Hà Nội nên Sở đã quán triệt phải thực hiện gương mẫu.
“Hôm nay cá nhân tôi cũng đi xe riêng, chứ không sử dụng xe công nữa. Anh em trong cơ quan cũng nghiêm túc thực hiện, người ở gần thì đi xe riêng, người ở xa thì đi taxi hoặc đi xe ký hợp đồng với các công ty vận tải bên ngoài”, ông Thành nói.
Theo Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Tây Nam, Sở hiện có 6 chiếc xe công với đội xe gồm 6 lái xe. Để thực hiện việc khoán xe công, Sở đã tiến hành ký hợp đồng với một doanh nghiệp dịch vụ vận tải phục vụ việc đi lại của lãnh đạo Sở.
“Căn cứ vào lịch làm việc hàng ngày, hàng tuần, văn phòng chúng tôi sẽ chuyển lịch công tác của lãnh đạo cho bên dịch vụ vận tải để họ bố trí xe đi lại cho hợp lý. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở có người dùng phương tiện này nhưng có người không. Vị nào có nhu cầu thì họ báo cho văn phòng để chúng tôi yêu cầu đơn vị dịch vụ bố trí xe phục vụ công tác của lãnh đạo”, ông Nam cho biết.
5 xe biển xanh của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội được niêm phong chờ hướng xử lý của thành phố (Ảnh: Báo Vnexpress) |
Cũng theo báo Vnexpress, Chánh Văn phòng Sở Tài chính Nguyễn Tiến Thiết cho hay, số lao động dôi dư khi khoán xe công có thể sắp xếp công việc theo đề án vị trí việc làm của đơn vị, như làm bảo vệ cơ quan hoặc nếu có nguyện vọng thì tiếp tục làm lái xe tại đơn vị nhận điều chuyển xe biển xanh.
Ông Mai Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, Hà Nội có hơn 400 xe biển xanh, việc thí điểm lần này ở 8 sở ngành sẽ phải đi kèm thu hồi các xe, trong đó có 12 xe đã hết niên hạn sử dụng, 33 xe sẽ sắp xếp thanh lý.
Trưởng phòng Quản lý công sản cho hay, trong các xe thu hồi, có những xe hạng sang sản xuất vào khoảng năm 2010, do vậy cần có giải pháp đảm bảo thanh lý sát với giá trị thực của phương tiện. Ngoài ra, để tránh việc mạo danh xe biển xanh vào các mục đích cá nhân, các xe này sẽ bị thu hồi biển và các giấy tờ cần thiết trước khi chuyển chủ mới.
Về hiệu quả của việc khoán xe công, báo Tiền phong thông tin thêm, đại diện Sở Tài chính cho biết, kinh phí khoán xe công nằm trong mức khoán chi hàng năm của từng đơn vị được giao từ đầu năm. Theo tính toán của Sở này, chỉ 6 tháng thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô tại 8 đơn vị, thành phố đã tiết kiệm được vài tỷ đồng. Và khi triển khai diện rộng toàn thành phố trên 30 quận huyện và 60 sở ngành, ước tính một năm sẽ tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội thí điểm khoán xe công rất tốt, nhưng phải nghiên cứu cách làm để vừa khoán kinh phí đi lại nhưng cũng giúp cắt giảm được số đầu xe công và tính tới đặc thù từng địa bàn.
“Cái mà dư luận lo ngại khi đã khoán phải khoán hết và thu hồi lại xe công, tránh tình trạng nhà nước mất tiền khoán mà đơn vị vẫn giữ lại xe công”, bà An nói. Bà An cũng cho rằng, khi đã khoán kinh phí đi lại phải công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát, tránh tình trạng nhận khoán nhưng vẫn dùng xe công đi lại.
“Việc khoán xe công nhằm chống sự lãng phí, nhưng cũng phải xem xét và có biện pháp chứ không lại xảy ra tình trạng xe công giảm nhưng xe quan thì tăng bởi vì các lãnh đạo mua xe riêng, đi xe riêng của mình rồi thuê lái xe riêng trong bối cảnh đường phố Thủ đô ngày nào cũng ùn tắc”, bà An phân tích.
(Tổng hợp)