(ĐSPL) – Cơ quan điều tra Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ 50 gói mì chính không rõ nguồn gốc đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.
Chiều ngày 5/1, Đội cảnh sát kinh tế (Công an quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa phát hiện một trường hợp sản xuất, buôn bán mì chính giả với số lượng lớn.
Theo cơ quan điều tra, khoảng 11h trưa cùng ngày, tại khu vực đường Kho Gạo (Thường Tín, Hà Nội), tổ công tác của Công an quận Đống Đa đã phát hiện bà Lê Thị Gắng (69 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) có hành vi vận chuyển mì chính giả.
Bà Lê Thị Gắng cùng số tang vật mì chính giả. |
Bà Gắng đi xe đạp, chở theo 50 gói mì chính nhãn hiệu AJINOMOTO, loại 01 kg/túi. Tại thời điểm kiểm tra, bà Gắng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến số hàng này. Tổ công tác đã đưa bà Gắng cùng tang vật về trụ sở công an xã Tô Hiệu.
Tại cơ quan điều tra, bà Gắng cho biết đang mang số mì chính trên đi tiêu thụ. Số hàng này được bà sản xuất tại nhà riêng.
Máy đóng gói mì chính giả bị cơ quan điều tra thu giữ. |
Tiến hành khám xét nơi ở, cảnh sát tiếp tục phát hiện hàng trăm gói bột màu trắng, mặt trước ghi nhãn hiệu AJINOMOTO hoặc MIWON, nhiều gói bột trắng không nhãn mác, hàng chục bao tải cùng máy ép nhiệt, cân…
Bà Gắng cho biết mua số bột trắng trên tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau đó mua bao bì ni-lon có in sẵn logo của hai hãng mì chính nói trên. Tiếp đó, bà dùng cân để đong trọng lượng, cho vào từng túi, dùng máy ép nhiệt để đóng gói.
“Tôi không biết đây là gì, chỉ nghe người mua nói là mì chính, ăn thử thấy ngọt ngọt. Gia đình tôi vẫn ăn, hàng xóm cũng mua về ăn, tất cả đều không thấy sao” – cụ bà nói.
Theo lời bà Gắng, bà mua số bột này với giá 770.000 đồng/25kg (khoảng 31.000 đồng/kg), sau khi đóng gói sẽ bán ra với giá 35.000 đồng/kg. Bà Gắng khai nhận, bà mới chỉ thực hiện việc đóng gói, buôn bán mặt hàng này thời gian ngắn trở lại đây.
Theo lời một cán bộ Đội cảnh sát kinh tế (Công an quận Đống Đa), việc sản xuất, buôn bán thực phẩm giả nói chung, mì chính giả nói riêng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Thực hiện đợt tấn công, trấn áp tội phạm cao điểm dịp tết, Công an quận Đống Đa sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu làm giả.
Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; g) Thu lợi bất chính lớn; h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |