+Aa-
    Zalo

    Hiểm họa khôn lường từ mì chính đã được "phù phép"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tình trạng làm giả làm nhái mì chính trên thị trường ngày càng nhiều. Dưới đây là những cách giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt mỳ chính thật và mỳ chính giả

    (ĐSPL) - Tình trạng làm giả làm nhái mì chính trên thị trường ngày càng nhiều. Dưới đây là những cách giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt mỳ chính thật và mì chính "đội lốt".

    Ngày 16/1, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Bắc Từ Liêm) phát hiện đối tượng Trương Đức Hiếu (23 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội), đang vận chuyển 200 gói mì chính hiệu Ajinomoto có trọng lượng 500gram/gói (tương đương 100kg).

    Tiến hành kiểm tra, cảnh sát phát hiện số mì chính này nghi là hàng giả nên đưa về trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm làm rõ. Qua xác minh, cơ quan công an xác định số mỳ chính trên là hàng giả nhãn hiệu Ajinomoto.

    Khi bị bắt, Hiếu khai nhận, bản thân chỉ là người làm thuê cho đối tượng Vũ Văn Quyết (27 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất cung ứng thực phẩm ODC Vũ Quyết).

    Cơ quan công an tiến hành khám xét khẩn cấp Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất cung ứng thực phẩm ODC Vũ Quyết, thu giữ máy móc, nguyên liệu và thành phẩm mì chính mang nhãn Ajinomoto. Tổng trọng lượng nguyên liệu thu giữ hơn 400kg mì chính.

    Quyết khai, hành vi làm giả mì chính mang nhãn hiệu Ajinomoto của công ty đã hoạt động được gần 1 năm nay. Để sản xuất mì chính giả, Hiếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về, rồi thuê nhân công đóng gói giả nhãn hiệu Ajinomoto rồi bán ra thị trường. Thị trường chủ yếu của Quyết là vùng nông thôn.

    Đóng gói sản phẩm do Nguyễn Văn Sơn (25 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) phụ trách. Trương Đức Hiếu phụ trách khâu phân phối sản phẩm.

    Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Đội CSĐT Tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (Công an quận Bắc Từ Liêm) để xử lý theo thẩm quyền.

    Tiếp nhận vụ án, ngày 18/1, Đội CSĐT Tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ đã tống đạt lệnh bắt khẩn cấp Vũ Văn Quyết cùng hai nhân viên công ty là Trương Đức Hiếu và Nguyễn Văn Sơn.

    Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), việc sử dụng những loại gia vị như mì chính (bột ngọt) không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhẹ thì gây ra ngộ độc cấp tính với biểu hiện đau đầu, chóng mặt..., còn về lâu dài, những ngộ độc mãn tính do các chất độc tích tụ lại trong cơ thể có thể gây ra những chứng bệnh nan y như ung thư.

    Các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội cũng cảnh báo: Sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc là nguyên nhân của không ít trường hợp phải rửa ruột vì ngộ độc.

    PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, hiện nay, mì chính được sử dụng phổ biến trong bếp ăn của hầu hết mọi gia đình. Tuy nhiên, không phải người nội trợ nào cũng hiểu hết về gia vị này.

    Mì chính, thực chất là một hóa chất với tên gọi Monosodium Glutamat “MSG”. Tại các công ty mì chính VeDan, Ajino Moto…, người ta áp dụng công nghệ vi sinh để trước hết tạo ra axit glutamic, sau đó dùng NaOH ở nồng độ cao sản xuất ra mì chính (là chất muối của acid glutamic). Mì chính được sử dụng để cải thiện vị, điều vị, tạo ra “ảo giác” làm hương vị các thức ăn kém vị ngọt trở nên ngọt ngào, hấp dẫn hơn. Nhưng mì chính không hề có giá trị dinh dưỡng.

    PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên trẻ em, người già, phụ nữ mang thai nên hạn chế tối đa sử dụng bột ngọt trong khẩu phần ăn. Ông khuyến cáo, việc sử dụng chất điều vị là được phép nhưng phải có giới hạn nhất định. Nếu cho bột ngọt vào thức ăn chỉ được chiếm tỉ lệ 10g/1kg sản phẩm, tức 1\% mà thôi.

    Mặc dù chưa có số liệu thống kê số trường hợp bị ảnh hưởng từ mì chính nhưng việc hạn chế lạm dụng mì chính để tạo ngọt là cần thiết. Bởi bản chất của bột ngọt là sản phẩm của phản ứng hóa học.

    Mì chính Trung Quốc (đánh dấu x) "đội lốt" hàng chính hãng rất tinh vi.

    Cách đơn giản phân biệt mỳ chính thật - giả

    Nhận biết qua bao bì

    Bao bì sản phẩm: Bao bì sản phẩm thường được nghiên cứu và hoàn thiện rất kỹ càng, nhưng đối với cácsản phẩm giả thì không như vậy. Trước tiên hãy kiểm tra chất lượng in ấn như đường nhòe, hình in mờ, phối màu in xấu.

    Nhãn mác: Trên nhãn sản phẩm thường hiển thị thông tin về nhà sản xuất và các thông số của sản phẩm. Hãy để ý kỹ chính tả tên công ty và tên nhãn hiệu. Hãy kiểm tra các thông tin về chỉ số tiêu chuẩn, chứng nhận kiểm định chất lượng, điều kiện an toàn cũng như các điều kiện hậu mãi.

    Điểm bán hàng

    Hãy cảnh giác với các điểm bán hàng và hãy chắc chắn về danh tiếng của người bán. Hãy thận trọng nếu bạn có ý định mua hàng qua các trang bán hàng trực tuyến. Thông thường những trang bán hàng trực tuyến này không thể kiểm định nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm mà họ kinh doanh, nên hàng giả có thể dễ dàng luồn lách qua các trang mua bán này để đến tay người tiêu dùng.

    Dùng thử

    Theo VTC, hòa một ít tinh thể vào nước và nếm, nếu là mì chính thì có vẻ ngọt dịu. Nếu có vị lạ hoặc kích thích lưỡi thì không phải mì chính. Nếm xong cần súc miệng ngay.

    Cho một thìa cà phê tinh thể cần thử vào một chén nước rau muống luộc, nếu nước rau chuyển sang màu sẫm hơn thì đó không phải là mì chính.

    Cho một thìa cà phê tinh thể cần thử vào một chén nước quấy đều lên, nếu thấy có những tinh thể không tan thì đó không phải là mì chính.

    Cho một ít tinh thể vào một thìa sạch và hơ trên ngọn lửa, nếu là mì chính sẽ có mùi như lông tóc cháy, nếu không có mùi hay có mùi khác hoặc tàn tro màu trắng thì đó là mì chính giả

    Nhận biết qua trọng lượng

    Theo báo Công thương, trọng lượng hàng thật luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Hàng giả: trọng lượng tịnh ít hơn hoặc gần tương đương với trọng lượng ghi trên bao bì.

    Bạn có thể quan sát tinh thể cánh mì chính. Hàng thật: Cánh to, sáng đều, không gãy là hàng thật. Hàng giả: Cánh không đều, gãy, có nhiều bụi trắng.

    Phân biệt mì chính Ajinomoto hàng thật - hàng giả

    Bao bì: Hàng thật hình Huy chương có màu vàng tươi, dòng chữ “Hội chợ an toàn thực phẩm năm 2002” đọc được rõ ràng; màu chữ đỏ tươi; bao bì dày, mềm mại, không nhăn. Hàng giả hình Huy chương có màu vàng sậm, nhoè, không đọc được dòng chữ bên trong hoặc rất mờ; Màu chữ đỏ sẫm; Bao bì giòn, cứng và dễ nhăn nheo; Màu chữ đỏ tươi;

    Đường hàn: Hàng thật đường hàn ở 4 cạnh phẳng, đều nhau và không có nổi bọt; mặt sau dưới đáy bao có in nổi ngày tháng sản xuất, rất rõ nét (6 số). Hàng giả có đường hàn ở 4 cạnh không đều nhau, đục và có nổi bọt; không in hoặc có in ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc.

    Cánh mỳ chính: Cánh to, sóng đều, không gãy là hàng thật. Cánh không đều, gãy, có nhiều bụi trắng là hàng giả.

    Trọng lượng: Đối với hàng thật có trọng lượng tịnh luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Nếu trọng lượng tịnh ít hơn hoặc gần tương đương với trọng lượng ghi trên bao bì là mỳ chính giả.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hiem-hoa-khon-luong-tu-mi-chinh-da-duoc-phu-phep-a112137.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.