Đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại chính sách
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về thực hiện các giải pháp, biện pháp thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động... trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT để răn đe và nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật
Bà Đàm Thị Hòa (Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội) cho biết, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được HĐND, UBND thành phố giao năm 2022 về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, giảm tỉ lệ nợ BHXH, quản lý hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động về các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố, Liên ngành (Công an, sở Lao động - Thương binh & Xã hội, sở Y tế, Liên đoàn Lao động, Cục Thuế, Thanh tra và BHXH TP.Hà Nội - sau đây viết tắt là Liên ngành) thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện quyết liệt triển khai các giải pháp.
Trong đó, công tác tuyên truyền trong năm 2022 sẽ tập trung đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT thiết thực và có hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở, trên đài phát thanh các xã, phường, thị trấn, trên các nhóm zalo tổ dân phố, tuyên truyền lưu động, tổ chức các lễ ra quân; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng internet.
Nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thưởng - phạt công minh, BHXH thành phố kịp thời thông tin với sở Kế hoạch & Đầu tư, sở Lao động - Thương binh & Xã hội, sở Tài chính, ban Thi đua - Khen thưởng thành phố, các ban quản lý dự án, các cơ quan liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã các đơn vị, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH để không vinh danh, khen thưởng; không cho tham gia đấu thầu và đầu tư các dự án của thành phố.
Theo báo cáo của Liên ngành, thực hiện Quy chế phối hợp số 588/QCPH-CA-LĐTBXH-SYT-LĐLĐ-CT-TTTP-BHXH ngày 1/2/2021 của Liên ngành về thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT của người lao động trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong năm 2021, cơ quan BHXH đã kiến nghị đóng, truy đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho 861 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc nhưng chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền là 12,5 tỷ đồng; phát hiện và đề nghị thoái thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp 61 đối tượng đóng sai đối tượng, đóng thừa thời gian hoặc trùng thời gian với số tiền là 761,4 triệu đồng; đề nghị điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho 75 lao động đóng không đúng mức tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động, chưa đóng các khoản phụ cấp theo quy định với số tiền là 213,7 triệu đồng.
Đặc biệt, Liên ngành đã thanh tra, phối hợp thanh tra liên ngành xử phạt, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đối với 5 đơn vị chây ì nợ tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền là 600 triệu đồng và 1 đơn vị làm giả nội dung hồ sơ BHXH để trục lợi với số tiền là 120 triệu đồng. Trong công tác thanh tra, kiểm tra điện tử, số tiền các đơn vị đã khắc phục là 449,5 tỷ đồng, đạt 31%; trong đó, có 3.916 đơn vị đã khắc phục hết số tiền nợ, 1.829 đơn vị khắc phục một phần số tiền nợ...
Thu Hà