Sức khoẻ - Làm đẹp

Hà Nội: Dịch Sởi vẫn tăng mạnh, lượng trẻ tiêm vắc xin tăng đột biến

Thứ Ba, 14/01/2025 10:00:00 +07:00

(ĐS&PL) - Thời gian vừa qua dịch Sởi tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh, nhiều trẻ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Ghi nhận, nhiều phụ huynh đã đưa con đi tiêm vắc xin phòng Sởi.

Dịch Sởi tiếp tục gia tăng tại Hà Nội

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 3/1 đến ngày 10/1), toàn thành phố ghi nhận 120 ca mắc Sởi tại 22 quận, huyện, thị xã, tăng 19 trường hợp so với tuần trước.

Cộng dồn năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 556 trường hợp mắc Sởi tại 30 quận, huyện, thị xã, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 61 trường hợp dưới 6 tháng (chiếm 11,0%); 91 trường hợp 6-8 tháng (chiếm 16,4%); 85 trường hợp 9 - 11 tháng (chiếm 15,3%), 183 trường hợp 1 – 5 tuổi (chiếm 32,9%), 57 trường hợp 6 - 10 tuổi (chiếm 10,3%), 79 trường hợp > 10 tuổi (chiếm 14,2%).

Hà Nội: Dịch Sởi vẫn tăng mạnh, lượng trẻ tiêm vắc xin tăng đột biến - 1

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC) nhận định, số mắc đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong 3 tháng đầu năm 2025 số mắc sởi có thể tiếp tục gia tăng do gia tăng giao lưu, tiếp xúc trong giai đoạn nghỉ tết Nguyên đán, tương tự theo xu hướng diễn biến dịch giai đoạn năm 2018-2019.

Qua tình hình dịch bệnh, CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân; điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch.

Trong tuần tới, CDC Hà Nội tổ chức kiểm tra, giám sát công tác xử lý ổ dịch Sởi trong trường học tại Chương Dương, Hoàn Kiếm; Hoàng Liệt và Mai Động, Hoàng Mai.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi Sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định, thực hiện giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng, để kịp  thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.

Đồng thời, Trung tâm Y tế các quận huyện thị xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin Sởi của trẻ em từ 1-5 tuổi, người tiếp xúc gần với các ca bệnh Sởi dương tính, học sinh học cùng lớp/cùng trường với bệnh nhân Sởi để tư vấn đi tiêm chủng bổ sung đầy đủ ít nhất 2 mũi vắc xin có thành phần Sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức cung cấp kịp thời, chính xác đến người dân các thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và các khuyến cáo phòng, chống dịch để người dân chủ động thực hiện; tuyên truyền người dân chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng bổ sung do ngành Y tế triển khai; người dân chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh truyền nhiễm.

Ngay từ tháng 10/2024, nhận thấy tình hình dịch Sởi diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng tại các quận, huyện, thị xã.

Hà Nội: Dịch Sởi vẫn tăng mạnh, lượng trẻ tiêm vắc xin tăng đột biến - 2
Hà Nội: Dịch Sởi vẫn tăng mạnh, lượng trẻ tiêm vắc xin tăng đột biến - 3
Hà Nội: Dịch Sởi vẫn tăng mạnh, lượng trẻ tiêm vắc xin tăng đột biến - 4

Khoảng 70.000 đối tượng thuộc diện tiêm chủng là trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội

Theo Sở Y tế Hà Nội, qua rà soát thống kê, toàn TP dự kiến có khoảng 70.000 đối tượng thuộc diện tiêm chủng là trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân Sởi trên địa bàn chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.

Tiêm vắc xin phòng Sởi tăng 200%

Ghi nhận tại các trung tâm tiêm chủng, lượng phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin phòng Sởi tăng đột biến so với các năm gần đây.

Theo đại diện Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, ghi nhận lượng khách hàng trẻ em và người lớn đến tiêm vắc xin Sởi các loại tại hơn 210 trung tâm VNVC trên toàn quốc tăng trung bình 200% trong 3 tháng (10 - 12/2024), so với cùng kỳ năm 2023.

Hà Nội: Dịch Sởi vẫn tăng mạnh, lượng trẻ tiêm vắc xin tăng đột biến - 5
Hà Nội: Dịch Sởi vẫn tăng mạnh, lượng trẻ tiêm vắc xin tăng đột biến - 6

Lượng tiêm phòng vắc xin trong 3 tháng (10 - 12/2024) theo ghi nhận của VNVC tăng đột biến

Đọc tin tức thời gian vừa qua về tình hình dịch Sởi tăng mạnh, anh Lê Thanh Đoàn (Hoài Đức, Hà Nội) vội vàng đưa cậu con trai 4 tuổi đi tiêm vắc xin phòng Sởi ngay.

Anh Đoàn chia sẻ: “Con trai tôi mới được tiêm 1 mũi phòng Sởi năm 2021, sau đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên gia đình chưa cho cháu đi tiêm đầy đủ. Thời gian qua đọc tin tức tôi sợ quá, nên phải đưa con đi tiêm ngay để phòng tránh bệnh”, anh Đoàn chia sẻ.

Còn chị Vũ Lan (Hà Đông, Hà Nội) chờ đợi mãi cậu con trai vừa đủ 9 tháng tuổi để tiêm vắc xin phòng Sởi. Những ngày qua chị luôn lo lắng sợ con trai mắc bệnh Sởi. Bởi tình hình dịch Sởi hiện đang tăng rất mạnh. “Sắp đến tết, gia đình con cái về quê chơi Xuân, nên tôi rất sợ khi con chưa tiêm được vắc xin phòng bệnh, thì nguy cơ mắc Sởi rất cao vì phải tiếp xúc nhiều người. May mắn còn gần 2 tuần nữa mới đến tết thì con tôi đủ tuổi tiêm vắc xin mũi đầu tiên. Tháng trước, mặc dù được các bác sĩ tư vấn có thể tiêm cho con khi được 6 tháng, nhưng vì con còn nhỏ quá nên tôi muốn để đến mốc 9 tháng”, chị Lan chia sẻ.

Đưa con tiêm phòng cúm và Sởi khi bé được 11 tháng tuổi, anh Trần Minh (32 tuổi, Hà Nội) cho biết hai vợ chồng hằng ngày đi làm, bé ở với người giúp việc. Bà hay bế cháu ra ngoài đi dạo hoặc sang các nhà trong xóm chơi. Hàng xóm của anh đã có bé ở độ tuổi nhà trẻ mắc bệnh Sởi, đang điều trị ở bệnh viện.

“Lúc mới 2 tháng tuổi, bé đã nhập viện và điều trị vì viêm phổi nửa tháng, kể từ đó rất hay ốm vặt, cảm sốt, sổ mũi nên vợ chồng rất chú ý tiêm phòng cho bé. May mắn hiện con đã đủ điều kiện tiêm vắc xin Sởi”, anh Minh chia sẻ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp tăng cường chống dịch. Mũi vaccine này được xem như là mũi "sởi 0", sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp tăng cường chống dịch. Mũi vaccine này được xem như là mũi "sởi 0", sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Nhiều trẻ biến chứng nặng sau mắc sởi

Ghi nhận tại các bệnh viện thời gian vừa qua, trẻ nhập viện biến chứng nặng do mắc Sởi tăng cao.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh Sởi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 1 tuổi .

Trường hợp bệnh nhi L.T.C (8 tháng tuổi, Hà Giang) nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ, kèm theo ho nhiều, nôn và tiêu chảy. Trước đó, gia đình nghĩ bé bị viêm họng thông thường nên đã đưa đến cơ sở  y tế để khám và điều trị. Bé đã được điều trị nhưng tình trạng bệnh không đỡ, sau 3 ngày trẻ xuất hiện sốt cao liên tục, bắt đầu mọc ban đỏ từ mặt lan xuống thân mình và tay chân.

Do bệnh không cải thiện, gia đình cho bé đến Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương để điều trị. Tại đây, bé được chẩn đoán mắc bệnh Sởi, với các triệu chứng lâm sàng điển hình như sốt cao, chảy gỉ mắt, ho, tiêu chảy và phát ban.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được điều trị tích cực, hiện ban Sởi của bé bắt đầu bay, nhiệt độ cơ thể được kiểm soát, và tình trạng dần ổn định. Dù vậy, bé vẫn cần được theo dõi để phòng ngừa biến chứng như viêm phổi hoặc suy dinh dưỡng.

Hà Nội: Dịch Sởi vẫn tăng mạnh, lượng trẻ tiêm vắc xin tăng đột biến - 8

Nhiều bệnh nhi biến chứng nặng sau khi mắc sởi

Trường hợp 2 là bệnh nhi N.T.Q (5 tháng tuổi, Bắc Giang) là một trong những ca bệnh nặng nhất tại khoa. Ban đầu, bé bị sốt cao 39,5°C, ho khan, ngạt mũi, mắt nhiều gỉ và tiêu chảy 3-4 lần mỗi ngày. Sau hai ngày sốt, bé bắt đầu phát ban đỏ từ mặt, cổ và lan ra thân mình, một dấu hiệu điển hình của bệnh Sởi. Ban Sởi hiện đã lan đến hai đùi, và bé được chẩn đoán mắc Sởi biến chứng viêm phổi.

Trước khi chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, tình trạng suy hô hấp của bé trở nên nghiêm trọng, buộc phải đặt nội khí quản và bóp bóng hỗ trợ. Khi nhập viện, bé có ban Sởi toàn thân, phù nề mi mắt, xuất huyết tại các vị trí tiêm truyền. Chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), một biến chứng nặng của Sởi.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, cho biết, tại bệnh viện, thời gian vừa qua khoảng 30% các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một số ca ở trẻ lớn trên 5 tuổi, tuy nhiên số lượng này không đáng kể.

Nguyên nhân được BS Nga cho biết, dịch Sởi năm 2024 là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Giai đoạn cách ly xã hội trong dịch COVID-19 khiến nhiều trẻ bị bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng, đồng thời phụ huynh thiếu cảnh giác với lịch tiêm nhắc lại. Điều này dẫn đến sự gia tăng các ca mắc, đặc biệt trong nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi - nhóm chưa đến độ tuổi tiêm vaccine.

Cần chủ động tiêm vắc xin phòng sởi

 

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan rất nhanh, khoảng 90 – 100% những người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây sẽ bị nhiễm. Một người nhiễm Sởi có khả năng lây sang tối đa 20 người khỏe mạnh. Không điều trị kịp thời, Sởi có thể biến chứng ở nhiều cơ quan như viêm ở tai giữa, phổi, não, màng não, loét giác mạc dẫn đến mù lòa. Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc Sởi. Thống kê của CDC Mỹ cho thấy, cứ 20 trẻ nhiễm Sởi, một trẻ bị viêm phổi, cứ 5 người chưa được tiêm ngừa mắc Sởi sẽ có 1 người cần nhập viện điều trị. Khoảng 1/1.000 bệnh nhi sẽ bị viêm não dẫn đến các biến chứng nặng như co giật, yếu, liệt, giảm thị lực, 10 – 40% biến chứng viêm não có thể tử vong.

Khi nhiễm sởi, thai phụ sốt cao sẽ làm tăng nhiệt độ buồng ối và tăng nhịp tim thai có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

Khi nhiễm sởi, thai phụ sốt cao sẽ làm tăng nhiệt độ buồng ối và tăng nhịp tim thai có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. 

Sởi có tỷ lệ tử vong từ 0,02% ở các nước phát triển đến 0,3 – 0,7% ở các nước đang phát triển. Bệnh có thể gây suy giảm miễn dịch, dễ bội nhiễm và biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, ói mửa, mù lòa do mờ giác mạc, suy dinh dưỡng và còi xương. Đối với thai phụ, sởi gây biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm kết mạc, có thể dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Thai phụ mắc sởi có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần so với người khỏe mạnh. Bên cạnh đó, khi nhiễm sởi, thai phụ sốt cao sẽ làm tăng nhiệt độ buồng ối và tăng nhịp tim thai có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

 

PGĐ Bệnh viện Nhi Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ lịch tiêm vaccine Sởi. Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi. Tiêm phòng đầy đủ không chỉ bảo vệ cá nhân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Hà Nội: Dịch Sởi vẫn tăng mạnh, lượng trẻ tiêm vắc xin tăng đột biến - 10

 

"Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa như tăng cường miễn dịch, giữ vệ sinh cá nhân và theo dõi sát sao sức khỏe trẻ đóng vai trò không kém phần quan trọng. Phụ huynh cần đảm bảo trẻ được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc đông người".

PGS Đỗ Thị Thúy Nga

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Virus sởi có thể lây gián tiếp khi người khỏe mạnh chạm vào đồ vật hoặc bề mặt dính mầm bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Chính vì thế, những nơi đông người như khu dân cư, trường học và bệnh viện trở thành môi trường lý tưởng cho bệnh lây lan.

Triệu chứng ban đầu của sởi thường giống cảm cúm với sốt, chảy nước mắt, mũi, viêm đường hô hấp và phát ban. Giai đoạn lây nhiễm diễn ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi xuất hiện phát ban. Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, dễ bị mắc sởi do hệ miễn dịch yếu và kháng thể bảo vệ từ mẹ giảm dần sau sinh. Theo WHO, năm 2021 có khoảng 128.000 ca tử vong do sởi, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi.

Mộc Trà
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-dich-soi-van-tang-manh-luong-tre-tiem-vac-xin-tang-ot-bien-a499357.html

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Tin cùng chuyên mục
Nổi bật trong ngày
Nước hầm xương có tốt không?

Nước hầm xương có tốt không?

Sức khoẻ - Làm đẹp04:37 21/01/2025

Không chỉ thơm ngon, dễ chế biến, nước hầm xương còn được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Vậy thực hư nước hầm xương có tốt không?