+Aa-
    Zalo

    Gửi tiết kiệm thế nào để lỡ vợ bị đột quỵ, chồng vẫn rút được tiền?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi gửi tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro nếu người gửi tiền rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự thì người thân vẫn rút được tiền...

    (ĐSPL) -  Khi gửi tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro nếu người gửi tiền rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự thì người thân vẫn rút được tiền, người gửi cần thực hiện những việc sau...

    Vợ đột quỵ, ngân hàng không cho chồng rút tiền tiết kiệm

    Trao đổi với VnExpress, ông Minh cho biết vào ngày 23/4 và 29/4, vợ ông mang khoảng hai tỉ đồng để gửi vào chi nhánh một ngân hàng cổ phần lớn tại Tiền Giang với kỳ hạn một tháng.

    Cả hai sổ tiết kiệm này đều đứng tên vợ ông. Tuy nhiên, ngày 1/5, vợ ông Minh bị đột quỵ phải chuyển lên TP HCM cấp cứu. Sau khoảng một tháng, vợ ông đã qua cơn nguy kịch và được chuyển sang bệnh viện khác điều trị tiếp.

    Ông cho biết theo kết luận của bệnh viện thì vợ ông hiện đã mất ngôn ngữ toàn bộ, liệt nửa người. Ngoài ra, ông Minh cho rằng não bộ của vợ đang trong tình trạng co lại với nhiều nếp nhăn và phải theo dõi thường xuyên nên chi phí rất lớn.

    Ngày 25/5, ông có đến chi nhánh ngân hàng nơi vợ gửi tiền tiết kiệm để xin rút ra lo trang trải chi phí nhưng không được. Theo ông, ban đầu giám đốc chi nhánh của ngân hàng yêu cầu về làm các thủ tục gồm: tờ cam kết do nhà băng đưa và có chứng nhận của ban tư pháp; giấy chứng nhận của bệnh viện nơi vợ ông điều trị; giấy chứng nhận kết hôn cùng chứng minh thư và hộ khẩu của ông.

    Sau đó, ngân hàng yêu cầu ông bổ sung thêm các loại giấy chứng minh là người thừa kế duy nhất của vợ nên ông đi làm các loại giấy chứng nhận là cha, mẹ vợ mất và hai vợ chồng không có con, giấy chứng nhận người giám hộ...

    Trong thời gian gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, vợ ông Minh bị đột quỵ, và khi ông đến rút tiền ra để trang trải thì không được vì nhà băng yêu cầu phải có sự đồng ý của người giám sát người giám hộ. (Ảnh minh họa).

    Khi đã cung cấp đầy đủ những giấy tờ trên, ông Minh được vị giám đốc hẹn chờ lãnh đạo cấp trên giải quyết. Tuy nhiên, gần hai tuần chưa thấy phản hồi, ông tiếp tục làm đơn cứu xét gửi lên ban giám đốc chi nhánh ngân hàng này. Sau đó, ông nhận được phản hồi bằng văn bản của người đứng đầu chi nhánh ngân hàng yêu cầu cung cấp thêm văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc cử người giám sát người giám hộ và văn bản đồng ý cho rút tiền từ người giám sát này.

    Tuy nhiên, ông Minh cho biết quá mệt mỏi với các thủ tục mà phía chi nhánh ngân hàng yêu cầu và không biết làm sao cho đúng để có thể rút số tiền ấy ra sớm nhằm trang trải các khoản nợ mà vợ ông đã mượn trước đó, cũng như các chi phí điều trị cho vợ, trong khi tài chính gia đình đang eo hẹp.

    Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, đại diện ngân hàng cho biết sau khi tiếp nhận trường hợp của ông Minh, dựa trên phần trình bày cũng như các tài liệu kèm theo của ông này, đồng thời căn cứ vào các điều luật của Bộ Luật Dân sự 2005 liên quan đến giao dịch với người bị mất năng lực hành vi, ngân hàng đã xác định vợ ông Minh có khả năng thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự.

    Do đó, các giao dịch liên quan đến tài sản của vợ ông phải được thực hiện thông qua người giám hộ, với các giao dịch lớn thì cần phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ cũng như các giấy tờ liên quan đến viện phí để đảm bảo các giao dịch rút tiền tiết kiệm là có thực và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho vợ ông Minh.

    Theo ngân hàng, đến nay ông Minh chưa cung cấp được văn bản cử người giám sát người giám hộ và xác nhận của người giám sát người giám hộ đồng ý cho ông rút số tiền của người vợ. Ngoài ra, ngân hàng cũng nhận được đơn xin phong toả thẻ tiết kiệm của vợ ông từ người chị gái vợ ông và đề nghị khi ông Minh muốn rút tiền phải có sự đồng ý của anh, chị, em ruột vợ ông.

    Từ những căn cứ trên, ngân hàng này cho rằng yêu cầu rút tiền của ông Minh đối với sổ tiết kiệm thuộc sở hữu của người vợ đến thời điểm này là chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định của pháp luật. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của vợ ông Minh vẫn đang được ngân hàng quản lý, duy trì tính lãi theo quy định. "Ngân hàng sẽ chi trả cho vợ ông Minh hoặc những người đại diện hợp pháp theo đúng quy định pháp luật và các chứng từ chứng minh hợp pháp có liên quan" - đại diện nhà băng cho biết.

    Sau khi gửi tiền, khách hàng cần làm luôn “giấy uỷ quyền giao dịch tiết kiệm” cho chồng, vợ hoặc con cái. (Ảnh minh họa).

    Làm gì để lỡ vợ bị đột quỵ, chồng vẫn rút được tiền tiết kiệm?

    Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM để tránh rơi vào trường hợp như ông Minh, vợ chồng khi gửi tiết kiệm nên thực hiện một trong hai cách sau để phòng ngừa rủi ro nếu người gửi tiền rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự như trên.

    Cách một: Chọn hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu

    Đây là cách gửi tiết kiệm có từ hai cá nhân trở lên cùng đứng tên trên sổ tiết kiệm tiền gửi. Theo đó, khi gửi tiền, ngoài các thủ tục như quy định, người gửi tiền phải có văn bản thỏa thuận giữa các đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm về việc quản lý và sử dụng tiền gửi tiết kiệm; nội dung của văn bản thỏa thuận giữa các đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải có các yếu tố cơ bản như họ tên, địa chỉ, số, ngày, nơi cấp CMND hoặc hộ chiếu của từng thành viên đồng chủ sở hữu; số tiền thuộc sở hữu của mỗi người, điều cam kết chung và chữ ký của từng thành viên đồng chủ sở hữu.

    Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều có hình thức này. Tuy nhiên, khách hàng cần xem rõ quy định của từng ngân hàng khi tiến hành mở tiết kiệm theo hình thức trên.

    Cách hai: Thực hiện uỷ quyền cho người khác trong việc rút tiền gửi tại ngân hàng

    Sau khi gửi tiền, khách hàng cần làm luôn “giấy uỷ quyền giao dịch tiết kiệm” cho chồng, vợ hoặc con cái.

    Trên giấy uỷ quyền có các nội dung chính như thông tin chủ sở hữu tài khoản, thông tin người được uỷ quyền, nội dung uỷ quyền (ví dụ như rút lãi định kỳ, rút một phần vốn gốc, rút toàn bộ vốn gốc…), thời hạn uỷ quyền.

    Nếu văn bản này được lập tại ngân hàng và có sự chứng kiến của người có thẩm quyền trong ngân hàng thì tờ giấy này không cần phải đi công chứng tại UBND phường hoặc tại phòng công chứng. Tuy nhiên, người gửi tiền phải đọc thật kỹ về các quy định uỷ quyền trong mẫu giấy này để nắm thật rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong văn bản ấy.

    Trường hợp nếu chưa thực hiện hai cách trên mà vợ - người đứng tên chủ sở hữu sổ tiết kiệm bị mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng hãy thực hiện theo các bước sau.

    Chồng làm đơn yêu cầu đến Toà án để ra quyết định tuyên bố người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự. Sau khi có quyết định của Toà án và người chồng hội đủ điều kiện quy định thì sẽ là giám hộ đương nhiên của vợ.

    Sau đó, người chồng đem các hoá đơn viện phí và các hoá đơn khác có liên quan đến việc chữa bệnh cho người vợ đến ngân hàng để yêu cầu nhà băng thực hiện việc rút tiền từ tài khoản của vợ cho người chồng nhằm thực hiện việc chữa bệnh cho người vợ, mà không cần phải thông qua người giám sát của người giám hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 về Quản lý tài sản của người được giám hộ trong Bộ luật dân sự 2005.

    Trong trường hợp ngân hàng yêu cầu người chồng phải có người giám sát của người giám hộ thì người chồng cần chứng minh là số tiền rút ra không phải là số tiền lớn theo quy định của Khoản 2 Điều 69 Bộ luật dân sự 2005. Nếu chứng minh được số tiền rút ra để chữa bệnh cho người vợ là số tiền nhỏ thì thủ tục rút tiền sẽ không cần người giám sát của người giám hộ, mà chỉ cần có quyết định tuyên bố của Toà về việc mất năng lực hành vi dân sự của người vợ và các giấy tờ chứng minh việc sử dụng tiền vào mục đích chữa bệnh cho người vợ.

    Trong trường hợp ngân hàng nơi người vợ gửi tiền không thực hiện theo yêu cầu của người chồng khi người này đã đủ các điều kiện trên, thì người chồng có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp hoặc gửi đơn kiện lên toà án có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

    Theo quy định tại chương 23 và 24 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn giải quyết của Toà để ra tuyên bố về việc người vợ mất năng lực hành vi dân sự là khoảng 1-2 tháng nếu người chồng cung cấp đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: VnExpress

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gui-tiet-kiem-the-nao-de-lo-vo-bi-dot-quy-chong-van-rut-duoc-tien-a142082.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan