Theo báo VnExpress, tại dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, loại hình điện này có thể đấu nối hoặc không với lưới điện quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Quy mô phát triển loại này đến 2030 khoảng 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Theo dự thảo, loại điện này nếu không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích lắp hệ thống lưu trữ để chủ động dùng trong sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng. Đề xuất này giữ nguyên so với bản thảo Bộ Công Thương đưa ra cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, dự thảo lần này bổ sung quy định giới hạn công suất lắp đặt với điện mái nhà tự dùng. Theo đó, công suất đăng ký lắp đặt phải dựa trên sản lượng điện tiêu thụ, nhu cầu dùng thực tế của hộ dân. Tức là, ở thời điểm đăng ký lắp đặt, công suất hệ thống điện mái nhà phải thấp hơn nhu cầu sử dụng của hộ dân.
Với dự án công suất trên 500 kW, người dân phải có lắp hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực.
Tổng công suất lắp điện mái nhà tự dùng không được vượt mức phân bổ cho từng khu vực, miền. Cụ thể, tới 2030, miền Nam phát triển tối đa 1.110 MW ở phía Nam; miền Bắc là 927 MW, còn lại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (560 MW). Việc này, theo Bộ Công Thương, tránh điện mái nhà phát triển vượt công suất quy hoạch, ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn, vận hành hệ thống điện.
Theo báo Lao động, về thủ tục đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nghị định nêu rõ phải gửi hồ sơ đăng ký đến Sở Công Thương. Sở Công Thương tiếp nhận hồ sơ đăng ký, chuyển Hồ sơ đến đơn vị điện lực, các sở ngành có liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh) xem xét, giải quyết và trả kết quả trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ Sở Công Thương trả lời tổ chức, cá nhân trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Theo dự thảo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt từ 500kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực.
Còn với điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, dự thảo cũng yêu cầu cá nhân, tổ chức muốn lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phải đăng ký theo quy định.
V.A(T/h)