Cảnh sát Gibraltar đã bắt giữ thuyền trưởng và sĩ quan trên tàu chở dầu Grace 1 của Iran, đồng thời tịch thu các tài liệu và thiết bị điện tử trên tàu.
Tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Ảnh: RT |
Hôm nay (12/7), cảnh sát Gibraltar (vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh) đã bắt thuyền trưởng và một sĩ quan trên tàu chở dầu Grace 1 vì cáo buộc vận chuyển dầu thô đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với quốc gia này.
Theo các nhà chức trách Gibraltar, 2 người đàn ông mang quốc tịch Ấn Độ này bị bắt nhưng chưa bị buộc tội. Cảnh sát Gibraltar cũng tịch thu các tài liệu và thiết bị điện tử trên tàu, đồng thời cho biết con tàu tiếp tục bị giữ trong quá trình điều tra vụ việc.
Trước đó, tàu Grace 1 bị cảnh sát và hải quan Gibraltar bắt sáng sớm 4/7 dưới sự hỗ trợ của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh. Grace 1 dài 330 m, có khả năng chở hai triệu thùng dầu thô. 28 thuyền viên trên tàu chủ yếu là người Ấn Độ và một số người Pakistan, Ukraine.
Iran xác nhận sở hữu số dầu trên tàu nhưng khẳng định tàu đang chở dầu thô tới cảng Basra của Iraq. Tòa án tối cao Gibraltar hôm 5/7 phán quyết tàu chở dầu có thể bị giữ thêm 14 ngày dựa trên quy định của EU về lệnh cấm vận đối với Syria. Iran gọi việc bắt tàu là "hành động không khác gì cướp biển" và đã triệu đại sứ Anh để phản đối.
Liên quan tới vụ Anh bắt tàu chở dầu Iran giữa lúc căng thẳng, các quan chức cấp cao của Iran đồng loạt lên tiếng cảnh báo Anh về những hậu quả có thể xảy ra sau vụ việc trên.
Chuẩn Đô đốc Ali Fadavi, phó tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, ngày 11/7 tuyên bố Mỹ và Anh sẽ phải “vô cùng hối hận” vì đã bắt tàu chở dầu Iran.
“Chính phủ Mỹ và cả Anh lẽ ra không nên hành động như vậy nếu họ có những tính toán nhỏ nhất. Chúng tôi đã thuê tàu này và chúng tôi chở hàng. Hành động của họ rất ngớ ngẩn và họ chắc chắn sẽ hối tiếc vì điều đó. Chúng tôi sẽ thông báo hành động đáp trả”, Tướng Fadavi cho biết.
Còn mới đây, ngày 11/7, hai quan chức Mỹ thạo tin tiết lộ, rằng 5 tàu vũ trang của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang vây bắt tàu dầu Heritage ở Vịnh Ba Tư thì bị chiến hạm HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh can thiệp nên buộc phải rút lui. Theo hai nguồn tin này, một máy bay Mỹ hoạt động trong khu vực đã ghi hình được vụ việc.
Trong thông cáo chính thức chính phủ Anh khẳng định 3 tàu Iran chỉ rời đi sau khi nhận "cảnh báo bằng lời" từ chiến hạm Anh đang hộ tống con tàu thương mại.
"Đi ngược lại luật pháp quốc tế, 3 tàu của Iran đã tìm cách chặn tàu thương mại Heritage của Anh đi qua Eo biển Hormuz. Tàu khu trục HMS Montrose buộc phải di chuyển tới vị trí giữa các tàu Iran và tàu Heritage, đưa ra cảnh báo đối với các tàu Iran, sau đó các tàu này bỏ đi. Chúng tôi quan ngại trước hành động này, và kêu gọi các nhà chức trách Iran hãy xuống thang tình hình trong khu vực", NY Times trích dẫn thông cáo.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lập tức phủ nhận cáo buộc. "Dường như tàu dầu Anh đã di chuyển qua. Những gì họ tự nói và những tuyên bố được đưa ra là nhằm kích động căng thẳng và những tuyên bố đó không có giá trị", ông nói.
Mộc Miên (T/h)