Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước dịch Covid-19
Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đây là một trong các giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Cụ thể, theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, từ ngày 01/10/2021, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động xuống bằng 0% trong 12 tháng.
Theo đó, người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 Luật Việc làm đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021, không bao gồm các trường hợp sau: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được giảm đóng thì gửi cơ quan BHXH nơi đơn vị đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp 01 bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị sự nghiệp công được phân loại tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện h ành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Cụ thể, các đối tượng được áp dụng giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Hằng tháng, trong thời gian từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022, cơ quan BHXH thực hiện giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Quyết định 28/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/10/2021.
Hỗ trợ đơn giản, nhanh, chính xác nhất
Trao đổi cụ thể hơn về đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ông Lê Hùng Sơn (Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) cho biết: “Đối với người lao động, đối tượng thụ hưởng là những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (trừ các đơn vị thuộc cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên) và người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2020 tới hết ngày 30/9/2021 - thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Còn đối với người sử dụng lao động là các doanh nghiệp đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện có khoảng gần 15 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, trừ đi khoảng gần 2 triệu người lao động thuộc các đối tượng không được nhận chính sách hỗ trợ (thuộc các đơn vị thuộc cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên), sẽ có khoảng gần 13 triệu người lao động và 38.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn, với quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ có liên quan, BHXH Việt Nam đã dự kiến các quy trình thủ tục để triển khai gói hỗ trợ trên tinh thần quán triệt quan điểm “đảm bảo triển khai các bước hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp một cách đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất.
Cụ thể, đối với 386.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính.
Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm quản lý thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó, cơ quan BHXH sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp.
Đối với 13 triệu người lao động, cơ quan BHXH sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp và xác định thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tất cả các thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin của ngành BHXH.
Những thông tin về chính sách hỗ trợ này sẽ tiếp tục được cập nhật cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ ngày 01/10/2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt, nỗ lực vào cuộc, với mục tiêu đưa chính sách hỗ trợ đến người thụ hưởng một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả nhất.
Kết quả, sau 5 ngày quyết liệt triển khai, ngành BHXH Việt Nam đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong thời gian 12 tháng (từ 01/10/2021 đến 30/9/2022) đối với 381.925 doanh nghiệp (tương ứng khoảng 10.461.199 người lao động) với tổng số tiền trên 7.653 tỷ đồng. Đồng thời đã có 7.416 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 20,5 tỷ.
Ghi nhận phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp trên cả nước đánh giá cao gói hỗ trợ kịp thời, đầy tính nhân văn của Quốc hội và Chính phủ đúng thời điểm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, gói hỗ trợ này được đơn giản tối đa về thủ tục hành chính, thời gian thực hiện. Nhờ có hệ thống dữ liệu tập trung, cơ quan BHXH các cấp đã trực tiếp xử lý các thủ tục và hoàn tất việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho từng doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp đều phấn khởi vì không bị bất kỳ một rào cản nào khi tiếp cận gói hỗ trợ này của Quốc hội, Chính phủ. Số tiền giảm đóng đến đúng lúc khó khăn đã giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiếp tục chuỗi cung ứng lao động, qua đó thể hiện rõ tính nhân văn, ưu Việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Đảng và Nhà nước.
Việc ngành BHXH Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch Covid-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Thu Hà