+Aa-
    Zalo

    Giám định tư pháp - sos!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tại phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo thực hiện đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) vừa diễn ra...

    (ĐSPL) - Tại phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo thực hiện đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) vừa diễn ra, các Đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại của hoạt động GĐTP hiện nay.
    Minh chứng được chỉ rõ là tình trạng giám định viên hoặc tổ chức giám định sợ “đụng chạm” nên viện dẫn đủ mọi lý do để không đưa ra kết luận giám định. Chính vì vậy mà có những vụ do thiếu kết quả giám định, cơ quan tiến hành tố tụng phải đình chỉ vụ án. Thực tế, theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, không ít vụ án “tắc” chỉ vì... kết quả giám định.
    “Án rối” vì một sự thật, nhiều kết luận
    Đối với nhiều người khái niệm GĐTP thoạt nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng với những cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng, GĐTP có vai trò vô cùng quan trọng. Kết luận giám định được Bộ luật Tố tụng Hình sự ghi nhận là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng, giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

    Án "rối" vì một sự thật, nhiều kết luận. Ảnh minh họa.


    Trong nhiều vụ án, kết luận giám định là căn cứ để Cơ quan điều tra khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, giúp cơ quan tiến hành tố tụng định khung hình phạt đối với bị cáo.
    Cũng vì vai trò vô cùng quan trọng của GĐTP mà pháp luật Việt Nam đã có hẳn một hệ thống luật quy định về hoạt động này. Thế nhưng, thực tiễn GĐTP đang gặp phải không ít vướng mắc, đặc biệt là trong giám định các vụ án kinh tế, tham nhũng, hành chính. Không ít vụ bế tắc, đình chỉ, tạm đình chỉ vì không thể đưa ra kết luận giám định.
    Trên thực tế, dư luận cũng ghi nhận không ít vụ án bị “tắc” do gặp vướng mắc ở khâu giám định. Điển hình là vụ vay mượn hơn 1.000 tỉ đồng giữa công ty Dệt kim Đông Phương và Ngân hàng NN&PTNT, chi nhánh 6 TP.HCM (Agribank CN6).
    Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 11 bị can về các tội danh: Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
    Xem thêm clip: Bắt khẩn cấp 2 giám đốc sản xuất thuốc chữa bệnh giả.

    Theo thông tin phản ánh, sau khi khởi tố, vụ án đã trải qua hai lần gia hạn điều tra nhưng bị kéo dài do thiếu kết quả giám định tài sản thế chấp, giám định tài chính với Đông Phương cũng như giám định của Ngân hàng Nhà nước về các nghiệp vụ ngân hàng trong vụ án.
    Tại nghị trường Quốc hội, các ĐBQH cũng không ít lần chất vấn lãnh đạo các cơ quan tố tụng về hiện tượng, nhiều vụ việc phải giám định nhiều lần nhưng mỗi lần lại cho kết luận khác nhau, thậm chí có sự mâu thuẫn, xung đột giữa các kết luận giám định. Thực trạng này khiến một số “án điểm” bị kéo dài như vụ án “Tượng đài chiến thắng Điện Biên” xảy ra cách đây ít năm.
    Tìm hiểu thêm về vụ án này, PV được biết, vụ án từng bị trả hồ sơ điều tra bổ sung vì vướng mắc ở khâu giám định. HĐXX yêu cầu Cơ quan điều tra giám định lại đồng đúc tượng; giám định tài chính đầu tư vào dự án xây dựng Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Bởi, thời điểm xét xử, hồ sơ vụ án tồn tại hai bản kết luận giám định của viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) và một bản giám định của trung tâm Đo lường và Kiểm định chất lượng khu vực I.
    Cũng liên quan đến hoạt động giám định, vụ điện kế, điện tử TP. HCM vẫn được ghi nhận là một trong những vụ án bi hài nhất. Khi vụ án “nổ ra”, người ta cho rằng, các điện kế điện tử giả mạo nước ngoài gây thiệt hại rất lớn. Kết luận ban đầu của CQĐT khẳng định, con số thiệt hại là 181 tỉ đồng. Thế nhưng, 2 giám định viên đại diện của tổ giám định thuộc bộ Công Thương lại tính toán khác.
    Con số thiệt hại được tổ giám định này xác định chỉ khoảng 8,1 tỉ đồng, tức chỉ bằng 4,4\% so kết luận của cơ quan tố tụng. Vậy, cùng sự thật là hơn 300 nghìn chiếc điện kế, điện tử được thay giả, tại sao có sự vênh nhau cực lớn như trên? Như vậy, một sự thật nhưng có nhiều phương án kết luận giám định! Tại phiên xử phúc thẩm tổng thiệt hại được xác định là gần 8 tỉ đồng.
    Giám định “giữ chân” tố tụng?
    Có những phiên tòa, phần tranh luận giữa luật sư với công tố viên rất gay gắt bắt nguồn từ giám định, bởi kết luận giám định có thể thay đổi toàn diện vụ án.
    Đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng, do đối tượng phạm tội thường có chức có quyền, cấu kết chặt chẽ, tài sản thiệt hại lớn... nên công tác giám định đòi hỏi ở mức cao độ. Thế nhưng, có một thực tế được chính những cơ quan chức năng chỉ ra là hiện tượng “né” giám định với án này. Tại phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo thực hiện đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, năm 2014, đơn vị đã tiếp nhận và thành lập 7 đoàn giám định theo yêu cầu của cơ quan CSĐT (bộ Công an) tại một số ngân hàng và một số địa phương. Tuy nhiên, việc chọn người để tham gia GĐTP theo vụ việc là tương đối khó khăn vì một vụ án liên quan nhiều nội dung nên cán bộ thực hiện giám định không thể bao quát hết tất cả các nghiệp vụ. “Ngoài việc kết luận giám định liên quan đến sinh mệnh chính trị, đôi khi, họ cũng bị đe dọa dưới nhiều hình thức”, vị này lý giải cho tâm lý e ngại của cán bộ, công chức khi tham gia việc giám định.
    Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, Phó ban Nội chính Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận, giám định phục vụ các vụ án tham nhũng có giám định viên né tránh vì ngại đưa ra quyết định “động chạm”. Ông Tuấn cũng viện dẫn những minh chứng cho lý do từ chối thường là “không đủ người”, “thiếu chuyên môn” và “thời gian thực hiện”. Nếu tham gia thì chậm thực hiện, ra kết luận giám định thiếu rõ ràng.
    Trên thực tế, luật quy định rất chặt chẽ về thời gian cho các hoạt động tố tụng, thế nhưng có một điều đang bỏ ngỏ là quy định về thời hạn giám định lại chưa được nhắc đến. Rất nhiều vụ án phải phụ thuộc vào giám định, đặc biệt là giám định tài chính, giám định công trình xây dựng... nhưng do giám định “giậm chân tại chỗ” khiến cơ quan tố tụng bị “giữ chân”.
    Nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong GĐTP
    Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp của Ban chỉ đạo thực hiện đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Việc kiện toàn các tổ chức  GĐTP còn chậm, việc giám định pháp y tâm thần chưa thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Một số ngành còn nợ đọng công việc, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có giải pháp đồng bộ để triển khai đề án GĐTP”.
    Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cũng như cán bộ có liên quan; tiến hành bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho cán bộ, cơ quan làm công tác này.
    Những kết quả giám định làm thay đổi toàn diện vụ án
    Ngày 25/11/2010, CQĐT Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) có kết luận điều tra (KLĐT) vụ án cháu gây thương tích cho chú vợ, đề nghị truy tố Đào Quốc H. (36 tuổi, ngụ Đồng Nai) về tội cố ý gây thương tích. Theo bản KLĐT, do cạnh tranh trong mua bán các trang thiết bị điện nên giữa ông Đào Ngọc A. và Đào Quốc H. (cháu rể ông A.) không được hòa thuận.
    Ngày 6/12/2009, khi cả hai cùng điều khiển xe máy về tới trước cửa nhà thì cãi nhau. Sau đó, ông Đ.Q.T. và bà N.T.X. (cha mẹ của H.) bước ra cãi nhau với ông A. dẫn đến xô xát. Thấy vậy, H. vớ lấy cây sắt rỗng cầm đánh ông này.
    Theo kết quả của Trung tâm Pháp y Đồng Nai, tỉ lệ thương tật tạm thời của ông A. là 43\% nên Công an TP. Biên Hòa khởi tố, bắt tạm giam H.. Sau đó, VKSND TP. Biên Hòa đã yêu cầu trưng cầu giám định lại. Kết quả giám định lần thứ hai của viện Khoa học Hình sự - bộ Công an xác định tỉ lệ thương tật của ông A. là 16,67\%.
    Vẫn không đồng ý, ông H. và gia đình đề nghị giám định lại. Giám định lần thứ ba, viện Pháp y Quốc gia (bộ Y tế) cho kết quả tỉ lệ thương tật là 11\%. Dựa vào đây, CQĐT đã ra kết luận điều tra bổ sung, đề nghị VKS truy tố  H. về tội cố ý gây thương tích.
    Vụ Đồng Đăng Phúc giết người tại TP.HCM là một kỳ án kéo dài 8 năm cũng bởi nguyên do các kết quả giám định tréo nhau. Phúc lái xe thuê, vì vi phạm hợp đồng nên bị chủ cho nghỉ việc không trả lương. Nhiều lần đòi lương không được, Phúc giết người chủ. Sau khi bị bắt, Phúc phát bệnh tâm thần. Giám định lần đầu kết luận Phúc bị tâm thần phân liệt, không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Giám định lần hai cũng tương tự.
    Đến lần giám định thứ ba, kết quả trở thành Phúc bị rối loạn nhân cách do rượu nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Dựa vào đó, TAND TP.HCM tuyên phạt Phúc án tù chung thân. Bản án này đã bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM hủy vì nhận thấy các bản giám định mâu thuẫn, hơn nữa Phúc tỏ ra rất tỉnh táo tại phiên phúc thẩm.
    Theo kết quả giám định lần thứ tư, Phúc bình thường, không hề mắc bệnh tâm thần trước, trong và sau khi gây án. Với kết luận này, Phúc đã bị tuyên án tử hình.
    ANH ĐỨC - H.LAN - P.THIỆU

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giam-dinh-tu-phap---sos-a87511.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan