(ĐSPL) - Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trường trả lời" tối 21/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: "Luật Hộ tịch có thể coi là cuộc "cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung".
Mới đây, một tuần sau thời điểm Luật Hộ tịch được thông qua, Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đã đưa ra Tuyên bố về đăng ký và thống kê hộ tịch, trong đó nhấn mạnh 10 năm từ 2014 – 2024 là thập kỷ đăng ký và thống kê hộ tịch với nhiều cam kết mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực.
Nói như thế để thấy được tầm quan trọng không thể thay thế của hộ tịch.
Trao đổi về những nội dung căn bản, những điểm mới trong Luật Hộ tịch vừa được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hộ tịch sẽ mở ra một trang mới trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường. (Ảnh: VTV). |
Bộ trưởng Cường cho biết, Luật hộ tịch quy định rõ việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc đăng ký và quản lý hộ tịch, bảo đảm độ chính xác trong tất cả giấy tờ thống kê đến con người, giảm thiểu nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính trong những thủ tục cần thiết liên quan đến con người.
Đồng thời, luật cũng cho phép lần này xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bên cạnh sổ hộ tịch bằng giấy như từ trước đến nay. Và quy định việc kết nối cơ sở dữ liệu lần này với dữ liệu quốc gia về dân cư trong Đề án 896 Chính phủ đã thông qua. Từ đó kết nối với tất cả các dữ liệu khác liên quan đến dân cư ở nước ta.
Ngoài ra, luật bổ sung, ghi nhận những quy định của Chính phủ từ trước đến nay, đảm bảo việc đăng ký và quản lý hộ tịch rất chặt chẽ. Với những quy định cải cách như vậy, Bộ trưởng Hà Hùng Cường tin công tác đăng ký, quản lý hộ tịch sẽ đi thẳng vào hiện đại và đi thẳng vào công nghệ thông tin, mở ra trang mới đáp ứng được yêu cầu của các Bộ trưởng châu Á - Thái Bình Dương đã tuyên bố.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Luật hộ tịch sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, khi đó trẻ em đăng ký khai sinh sẽ được cấp ngay số định danh cá nhân và nói đầy đủ ra luật cũng cho phép đến hết năm 2019, phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì hai cơ sở này đồng thời xây dựng và hoàn thành năm 2020 tất cả quy định mang tính cải cách của luật sẽ được thực thi. Khi đó người dân sẽ nhận biết được công cuộc cải cách thủ tục hành chính trong giấy tờ công dân.
Ông cũng khẳng định, toàn bộ hệ thống Sổ hộ tịch được lưu trữ trước ngày Luật này có hiệu lực, không phân biệt ở thời kỳ nào, vẫn được coi là căn cứ pháp lý để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân; được sử dụng để tra cứu, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân có yêu cầu.
Đồng thời, các giấy tờ hộ tịch đã cấp cho người dân theo quy định của pháp luật về hộ tịch trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị.
Nói về việc đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch hiện nay, liệu có bảo đảm được yêu cầu công việc khi Luật mới có hiệu lực thi hành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ xã, phường, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Bộ Tư pháp sẽ có kế hoạch rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch.
Dự kiến từ nay đến năm 2016, phải chuẩn hóa đội ngũ này và đến trước ngày 1/1/2020 phải hoàn thành việc đào tạo lại đối với toàn bộ đội ngũ này.