Các doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí cho người lao động như một cách hướng tới các chương trình phúc lợi dài hại, tăng tính gắn kết bền chặt với người lao động.
Chọn công việc vì phúc lợi hưu trí
Mức lương là yếu tố chủ chốt nhưng các điều kiện phúc lợi cũng là điều mà một người lao động cân đo khi lựa chọn đơn vị làm việc. Nắm rõ điều cốt lõi này, nhiều công ty giữ chân người lao động bằng phúc lợi hưu trí ưu việt.
Chế độ hưu trí là phúc lợi mà người lao động được hưởng sau khi thực đóng bảo hiểm xã hội đủ số năm quy định và đạt tới độ tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, khi đạt đến độ tuổi được quy định, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ và gửi về cơ quan BHXH nơi người đó đang thực hiện đóng BHXH.
Khi nhắc đến chế độ hưu trí, người lao động cần nắm được các thông tin về độ tuổi nghỉ hưu, mức hưởng lương hưu theo mức đóng BHXH. Tùy theo tình hình kinh tế xã hội, chính phủ sẽ liên tục đưa ra những chính sách mới cải cách theo từng năm để phù hợp hơn với người lao động.
Phúc lợi xã hội là trụ cột cơ bản gắn bó giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các điều kiện phúc lợi trong đó có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... vừa là trách nghiệm của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, cũng vừa là nền tảng để thu hút, giữ chân người lao động an tâm làm việc, gắn bó bền vững với đơn vị trong điều kiện việc làm có nhiều biến động như hiện nay.
Anh Nguyễn Quang Minh (TP.HCM) chia sẻ, một trong những điều mà anh quan tâm nhất khi lựa chọn nơi làm việc không phải là một mức lương cao ngất ngưởng hay môi trường năng động, cởi mở mà nó là các điều kiện phúc lợi. Bởi với anh Minh, bảo hiểm hưu trí là quan trọng vì khi về hưu thì mức thu nhập giảm đi nhưng nhu cầu sống thì không giảm. Lúc này, bảo hiểm sẽ giống như là một nguồn thu nhập thụ động để chăm lo cho cuộc sống của mình.
Chính vì vậy, khi nộp đơn xin việc vào công ty hiện tại đang làm, anh Minh đã rất hoan hỷ khi công ty có chính sách mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động bằng một nửa số tiền cần đóng, còn người lao động là anh Minh chỉ cần đóng thêm một khoản là có thể yên tâm với tâm lý “an dưỡng tuổi già”.
Người lao động kỳ vọng lương hưu tương xứng
Lương hưu là khoản tiền Bảo hiểm Xã hội chi trả cho những người lao động đến độ tuổi về hưu đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội trước đó. Vì ngày được hưởng lương hưu nằm trong tương lai xa, nên lương hưu phải bù đắp cho phần sức mua bị mất đi do lạm phát tích lũy trong thời gian từ lúc đóng đến lúc lĩnh lương hưu.
Do đó, hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí phải có lợi nhuận cao hơn lạm phát. Với tham vọng của Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, sức ép lên quỹ hưu trí (Bảo hiểm Xã hội) còn cao hơn, vì những người đóng bảo hiểm hôm nay sẽ kỳ vọng lương hưu của họ phải tương xứng với mức thu nhập cao tại thời điểm họ nghỉ hưu trong hơn hai thập kỷ tới.
Nhiều chuyên gia nhận định, bảo hiểm hưu trí do các doanh nghiệp đứng ra quản lí là một tiến bộ như ở các nước. Vấn để là phải làm sao để có thể quản lý chặt chẽ, minh bạch, công khai… vì đây là tiền của người lao động đóng. Quản lý việc này đòi hỏi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, thông tin tuyên truyền để người lao động nhận thức đúng và tìm được địa chỉ tin cậy khi tham gia các hình thức bảo hiểm này.
Bảo hiểm hưu trí hiện được xem là hình thức an sinh xã hội tiến bộ được phát triển ở nhiều quốc gia. Các doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí cho người lao động như một cách hướng tới các chương trình phúc lợi dài hại, tăng tính gắn kết bền chặt với người lao động.