+Aa-
    Zalo

    Giá xăng lập đỉnh kỷ lục, Bộ trưởng bộ Tài chính nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Bộ trưởng bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, giảm thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu, phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

    Sáng ngày 2/6, trong phiên thảo luận của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu tiếp thu, giải trình về các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

    gia xang lap dinh ky luc bo truong bo tai chinh noi gi dspl
    Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng ngày 2/6. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

    Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là chống lạm phát, bởi giá cả nhiều nguyên liệu đầu vào ở nước ngoài đang tăng nhanh.

    Ngoài giải pháp tập trung vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá, vấn đề hết sức quan trọng là phải tái cơ cấu, tăng năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, tạo ra được sản phẩm. Qua đó, nâng cao được thu nhập của người dân và doanh nghiệp, giải bài toán chống lạm phát.

    Trước nhiều ý kiến cho rằng cần phải giảm thuế để giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ giảm thuế chỉ là một trong các giải pháp để giảm giá xăng dầu. Muốn giảm được giá xăng dầu phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

    Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong cơ cấu giá xăng hiện nay, các loại thuế, phí Việt Nam áp dụng chỉ chiếm 28%, tức khoảng 8.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng các nước, thuế, phí chiếm tới 45-60%.

    Vừa qua, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được giảm 50%, tương ứng giảm 2.000 đồng/lít. “Giờ còn 2.000 đồng/l. Có giảm nữa hay không thì thẩm quyền này thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với xăng có giảm hay không thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, ông Phớc cho biết.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng bày tỏ lo lắng giảm thuế thì phải cắt giảm các khoản chi ngân sách. Kể cả thu từ dầu thô có tăng theo giá dầu thế giới, nhưng nếu tiếp tục giảm thuế thì nhiệm vụ chi sẽ phải cân đối theo.

    Ngoài ra, khi giảm thuế phải tính đến những ảnh hưởng khác như việc buôn lậu xăng dầu, vì hiện giá của Việt Nam chênh lệch 11.000 đồng/lít so với giá ở Lào, chênh 3.000 đồng/lít so với giá ở Campuchia…

    Nếu giá thấp thì xăng dầu có thể sẽ "chảy" lậu sang các nước xung quanh, trong khi Việt Nam lại khó khăn vì thực hiện giảm thuế.

    Cuối cùng, tư lệnh ngành tài chính cho rằng phải tập trung thúc đẩy nguồn cung, nâng công suất hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn để đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-xang-lap-dinh-ky-luc-bo-truong-bo-tai-chinh-noi-gi-a539677.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Điều hành giá xăng dầu: Cần sớm có giải pháp kìm đà tăng

    Điều hành giá xăng dầu: Cần sớm có giải pháp kìm đà tăng

    Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2875/BCT-KH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; trong đó, Bộ này đã nêu rõ về giá xăng dầu trong nước cũng như công tác điều hành giá xăng dầu.