(ĐSPL) - Mặc dù giá xăng liên tiếp giảm, tuy nhiên nhiều thực phẩm thiết yếu và mì gói thì hoàn toàn ngược lại.
Chị Minh Thư, Giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở quận 2, TP.HCM cho hay cuối tuần mới có thời gian ra chợ. Tuần rồi, chị giật mình vì giá cả nhiều loại hàng thiết yếu ở ngôi chợ gần nhà đều tăng giá. Chị mong sau khi giá xăng giảm nhiều thì hàng hóa cũng giảm theo, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Tại các chợ khác khu vực Bình Thạnh, Phú Nhuận, giá cả các loại thịt heo, bò, gà… cũng tăng nhẹ. Thịt nạc thăn bò tăng từ 270.000 đồng/kg lên 280.000 đồng/kg. Các loại thịt heo, gà nguyên con cũng tăng tương ứng, mức tăng khoảng 10.000 đồng – 20.000 đồng/kg.
Chị Ngọc Yến, tiểu thương bán thịt heo ở Bình Thạnh cho hay, hiện nguồn cung thịt heo trên thị trường rất ít. Những người chăn nuôi không chịu bán ra mà găm hàng đợi Tết, vì thế giá thịt heo bị đẩy lên khá nhiều. Sức mua đang tăng lên, nhưng muốn đặt hàng ở các lò mổ, hay các trang trại chăn nuôi vẫn rất khó vì “chưa đến thời điểm xuất hàng”.
Ngoài yếu tố này, giá cả thực phẩm không chịu xuống theo giá xăng còn đến từ nhiều nguyên nhân khác. Theo phân tích của chị Yến, có những tiểu thương “nhìn mặt ra giá”, họ thường đưa ra giá cao để người mua trả giá xuống là vừa. Điểm dễ thấy nhất là tâm lý người bán khi cho rằng: “Không ai giảm hết thì sao mình phải giảm?” khiến giá thực phẩm vẫn trụ vững dù giá xăng giảm sâu. Khi so sánh với giá xăng, có người còn biện hộ: “Sản phẩm này không dùng xăng để sản xuất!”, rồi thản nhiên giữ giá cũ.
Đối lập với các khu chợ truyền thống, hàng hóa trong các trung tâm thương mại hay siêu thị được định hướng giảm giá rõ ràng trong những ngày cận Tết âm lịch.
Saigon Co.op đã dự trữ nguồn hàng tăng gấp 2 đến 3 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Đơn vị này cho biết, sẽ chủ động giảm từ 5 – 10\% các mặt hàng thiết yếu khác, so với giá cả được bán ngoài thị trường. Tại Big C, các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu ngày Tết cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Trong dịp Tết Nguyên Đán 2015, Big C sẽ triển khai chính sách “giá tốt”, chương trình khuyến mãi kích cầu, quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào…
Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm rục rịch tăng giá ngay trước Tết. Đơn cử như mặt hàng mì gói.
Tăng giá nhiều nhất trong dịp cận Tết là mì Hảo Hảo của Công ty Vina Acecook. Khảo sát giá sản phẩm tại các đại lý và siêu thị cho thấy, giá mì Hảo Hảo tăng 7.000 đồng – 10.000 đồng/thùng.
Cụ thể, giá bán cho người tiêu dùng tăng nhiều hơn, từ 95.000 đồng tăng lên 105.000 đồng/thùng. Nếu tính trên giá mua lẻ từng gói, mức tăng là 500 đồng/gói, tương ứng tăng gần 15\%. "Do hút hàng nên nhà phân phối tăng giá. Nhân viên tiếp thị của hãng nói qua Tết mới có hàng lại”, một tiểu thương ở Bình Thạnh lý giải.
Các loại mì khác như Omachi, Gấu Đỏ, 3 Miền… đều giữ giá cũ.
Để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trước thực trạng giá xăng, gas giảm nhưng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn neo giá, không tuân thủ quy luật thị trường, Sở Tài Chính TP.HCM đã công bố điều chỉnh giảm giá một số mặt hàng. Đơn vị này cam kết giá các mặt hàng thiết yếu sẽ giảm và giữ ổn định từ tháng 1/2015 đến qua Tết âm lịch.