Theo tin tức kinh doanh trên báo VnExpress, kết phiên ngày 28/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng cao lên 643 USD một tấn, cao hơn gạo Thái Lan 13 USD một tấn. Đây cũng là mức cao nhất 15 năm qua.
Trong lúc các loại gạo Việt đồng loạt tăng trong 5 phiên gần nhất, hàng Thái lại quay đầu giảm. Trong khi đó, gạo 25% tấm của Thái Lan phiên 28/8 rớt xuống 563 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt 65 USD. Tương tự, gạo 100% tấm Thái Lan rớt xuống 459 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp, sở dĩ giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt vì nhu cầu thật từ thị trường thế giới lớn. Trong khi đó, giá lúa gạo nội địa liên tục tăng những ngày qua khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chào giá cao mới có thể chốt được hợp đồng xuất khẩu mà không bị thua lỗ.
"Giá xuất khẩu tăng, các doanh nghiệp trong nước mới dám ký mới đơn hàng", Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang nói.
Hiện, giá thu mua lúa tại thị trường nội địa đắt đỏ. Giá các loại lúa đều tăng lên gần 8.000 đồng một kg. Với mức giá này, nếu quy ra gạo xuất khẩu, tương đương giá 670 - 680 USD một tấn.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ngày 28/8, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng ghi nhận giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao nhất thế giới, với gạo 5% tấm đạt 638 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt 623 USD/tấn.
Với tình hình trên, các chuyên gia đang chú trọng vào giải pháp tạo ra chuỗi giá trị gạo bền vững, cụ thể là thông qua hình thức đối tác công tư (PPP).
GS.TS Võ Tòng Xuân đã thể hiện sự ủng hộ đối với việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả nông dân. Liên quan bối cảnh của Việt Nam, ông Xuân lưu ý khoảng cách giữa nông dân từ đồng ruộng cho tới cảng xuất khẩu, hoặc siêu thị, phải qua rất nhiều lớp "cò", thương lái.
Trong khi đó, "đại đa số doanh nghiệp Việt Nam còn rất thụ động, chỉ có một số năng động biết đi tìm thị trường", ông chỉ ra.
Vì vậy, ông Xuân cho rằng cơ quan chức năng cần tìm cách hỗ trợ nông dân trồng lúa có lợi tức cao hơn, cũng như tránh được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thông qua việc sắp xếp vùng nguyên liệu.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, chính quyền và doanh nghiệp có thể phối hợp thiết lập vùng nguyên liệu áp dụng quy trình tiên tiến, đảm bảo sản xuất lúa gạo sạch, chất lượng và đạt an toàn thực phẩm. "Lo cho doanh nghiệp có nguyên liệu cũng là lo cho nông dân có đầu ra", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông David Whitehead, cố vấn cấp cao Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp ACIAR, cho rằng Việt Nam cần tập trung vào tiêu chuẩn chất lượng cao, đặc biệt là khả năng truy xuất nguồn gốc, để đáp ứng các thị trường khó tính.
"Điều đó thực sự quan trọng đối với người Úc. Họ rất ý thức về việc thực phẩm đến từ đâu, được xử lý như thế nào thậm chí cho đến tận khi sản phẩm đến tay họ", ông nói.
Trước đó, ngày 3/8, đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đã thể hiện mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực trong khu vực cũng như nhấn mạnh Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu.
Có thể thấy với 2 "vựa gạo" lớn là Kiên Giang và An Giang, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặc biệt quan trọng đối với tầm nhìn này.
Trong chuyến thăm ĐBSCL đầu tháng 8, Phó đại sứ Úc tại Việt Nam Mark Tattersall ví von ĐBSCL "có nghĩa là Việt Nam đối với thế giới bên ngoài", thể hiện tầm quan trọng của khu vực này.
Ông Tattersall cũng nhìn nhận ĐBSCL đóng một vai trò rất lớn trong mối quan hệ giữa Úc và Việt Nam trong 50 năm qua.
Cũng trong chuyến thăm ĐBSCL, PGS.TS Hồ Thanh Bình, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang (ĐHQG TP.HCM), đã giới thiệu về dự án ông đang làm điều phối: "Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL". Đây là dự án nghiên cứu mới kéo dài 4 năm do ACIAR và SunRice, tập đoàn sản xuất và kinh doanh lúa gạo lớn nhất của Úc, cùng đầu tư theo hình thức PPP.
Vân Anh(T/h)