Theo tin tức mới nhất từ nhật báo tài chính và kinh doanh Mint, ba quốc gia gồm Singapore, Indonesia và Philippines mới đây đã kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá gạo đang tăng vọt.
Trước đó, vào tháng 6, Indonesia đã công bố kế hoạch mua 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ để giảm bớt sự gián đoạn đối với thị trường thực phẩm của nước này. Trong khi đó, Singapore đã yêu cầu khoảng 110.000 tấn gạo từ Ấn Độ. Philippines cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Ấn Độ. Ngoài ra, còn có Bangladesh được cho là đang đàm phán với New Delhi về việc tăng sản lượng gạo nhập khẩu.
Hãng tin RT đưa tin, chính phủ Ấn Độ đã đình chỉ xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào cuối tháng 7 sau khi giá loại gạo này tăng 3% trong chỉ một tháng do mưa lớn gây thiệt hại diện rộng cho mùa màng. Tuy nhiên, việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu nhằm giải quyết các vấn đề về nguồn cung trong nước đã có tác động đáng kể đến thị trường toàn cầu.
Cụ thể, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khi chiếm tới 40% nguồn cung toàn cầu. Các hạn chế mới đã làm giảm gần một nửa sản lượng xuất khẩu gạo của New Delhi, gây ra lạm phát trên thị trường lương thực toàn cầu.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phải nộp bao nhiêu tiền bảo lãnh để tránh ngồi tù?
“Trước đây, gạo được giao dịch với giá 550 USD/tấn, hiện giá đang dao động trên 650 USD”, ông Nitin Gupta - phó chủ tịch cấp cao của một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ nói với Al Jazeera trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc gần đây cũng kêu gọi các nhà cung cấp Ấn Độ cung cấp 200.000 tấn gạo dưới dạng viện trợ nhân đạo nhằm cải thiện an ninh lương thực toàn cầu. Liên Hợp Quốc đồng thời lưu ý rằng đại dịch Covid-19 và xung đột Ukraine đã làm giảm đáng kể nguồn cung gạo thế giới.
Phương Uyên(Theo RT và Mint)