Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức mới là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng. Đơn giá mới cho bậc 1 (0-50kWh) lên 1.893 đồng/kWh, bậc 2 (51-100kWh) lên 1.956 đồng/kWh, bậc 3 (101-200kWh) lên 2.271 đồng/kWh, bậc 4 (201-300kWh) lên 2.860 đồng/kWh, bậc 5 (301-400kWh) lên 3.197 đồng/kWh, bậc 6 (401kWh trở lên) lên 3.302 đồng/kWh.
Chiều 11/10, tại buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện, ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện có 17,4 triệu hộ, khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng, tương đương 61,35% hộ sử dụng điện sinh hoạt. Khi điều chỉnh giá điện tăng 4,8%, bình quân một tháng mỗi hộ phải trả thêm 13.800 đồng.
“Theo đánh giá, mức tăng 4,8% không ảnh hưởng quá lớn với đối tượng khách hàng này”, ông Nam nói, theo báo Pháp luật TP.HCM.
Còn với khách hàng sử dụng điện từ 200 đến 300 kWh/tháng, bình quân mỗi hộ sẽ phải trả thêm 32.000 đồng/tháng. Khách hàng sử dụng điện từ 300 đến 400 kWh/tháng, mỗi tháng sẽ phải trả thêm 47.000 đồng. Khách hàng sử dụng từ 400 kWh/tháng trở lên thì mức tăng sẽ là khoảng 62.000 đồng.
Ngoài ra, theo tính toán của EVN, hiện có khoảng 547 nghìn khách hàng kinh doanh dịch vụ, với việc điều chỉnh tăng giá điện, bình quân mỗi hộ phải trả thêm 247.000 đồng/tháng.
Với 1,921 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi hộ phải trả thêm 499.000 đồng/tháng. Còn với khách hàng xí nghiệp, sau khi điều chỉnh, tiền điện phải trả thêm là 91.000 đồng/tháng.
Còn đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, đại diện EVN cho biết hiện nay, mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách là 59.500 đồng/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện khoảng 62.500 đồng/tháng, theo Dân Trí.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Nam cho biết, với mức tăng giá điện khoảng 4,8% như hiện nay sẽ làm CPI cả năm tăng khoảng 0,04%.
“Mức tăng này cũng khá là thấp. Việc điều chỉnh tăng giá điện đã được các Bộ, ngành tính toán cân đối để làm sao mức tăng không ảnh hưởng tới CPI, không tác động quá lớn tới người dân", ông Nam nói.
Đồng thời, đại diện EVN khẳng định, mức tăng 4,8% này đã được tính toán, cân nhắc hài hòa nhất để đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế của đất nước. Còn về kết quả lãi lỗ của EVN sau khi tăng giá điện, đại diện EVN khẳng định, hết năm 2024, sau khi có báo cáo giá thành theo quy định báo cáo giá thành của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực mới có số liệu chính xác và công bố đến báo chí.