Tạp chí Nhà đầu tư dẫn số liệu thống kê từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, ngày 19/9, giá cà phê tại thị trường trong nước tiếp tục tăng từ 300 - 400 đồng/kg. Cụ thể, tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ, giá thu mua lên mức 65.500 - 70.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng ghi nhận tăng liên tiếp trong những ngày qua.
Theo đó, thống kê từ Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 18/9, giá cà phê tiếp tục khởi sắc với mức tăng nhẹ lần lượt 0,28% với Arabica và 0,39% với Robusta, nối dài đà tăng sang ngày thứ 4 liên tiếp.
“Giá cà phê trong nước và xuất khẩu tăng giúp giá trị ngành hàng cà phê tăng mạnh từ đầu năm đến nay. 8 tháng năm nay, cà phê của Việt Nam được xuất khẩu tới 38 thị trường khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD/tấn, cao hơn gần 700 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD”, VICOFA thông tin.
Theo báo Lao động, trước tình hình giá cà phê thu mua tại vườn đang ở mức cao nhất trong khoảng 10 năm qua, tại “thủ phủ” cà phê của cả nước - tỉnh Đắk Lắk - doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đang khan hàng để xuất khẩu.
Lãnh đạo Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đưa ra lý giải, giá cà phê đang đạt mức giá kỷ lục là do năm 2023, loại nông sản của Việt Nam mất mùa nên sản lượng giảm.
Bên cạnh đó, cà phê Robusta có giá cao hơn các năm trước, dẫn đến hàng tiêu thụ nhanh, sản lượng tồn kho của doanh nghiệp cạn hàng từ tháng 6/2023. Cà phê đang ở mức giá cao nhưng hầu như không có giao dịch vì doanh nghiệp, nông dân Việt Nam không còn hàng cung ứng.
Ông Nguyễn Đình Viên, Giám đốc Công ty TNHH PM Coffee (TP.Buôn Ma Thuột) nhận định, cà phê đang cuối vụ nên dù doanh nghiệp có muốn thu mua cũng chẳng có hàng để lấy.
Vì vậy, doanh nghiệp phải tiếp tục cam kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, ký hợp đồng bài bản. Nhưng bà con phải đảm bảo giao hàng đúng hẹn và chất lượng cà phê phải như cam kết. Công ty đang xuất khẩu cà phê chủ yếu sang thị trường châu Âu và Tây Á còn các sản phẩm chế biến sâu từ cà phê thì đưa sang các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Hiện, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung đang dao động ở mức từ 65.000 đến 68.000 đồng/kg, cao nhất trong 10 năm qua. Đây là tin vui đối với người nông dân đang bám trụ, khai thác nguồn lợi từ cây cà phê.
Theo VICOFA, trước bối cảnh lãi suất cho vay ngân hàng ở mức cao, khả năng tiếp cận tín dụng thu mua bị hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không đủ vốn để gom hàng nên hiện các doanh nghiệp xuất khẩu không mua trữ cà phê như trước, mà ký hợp đồng tới đâu mua tới đó.
Đơn vị này ước tính, sản lượng cà phê năm nay ước giảm 10 -15% do thời tiết không thuận.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê từ nay đến cuối năm vẫn khả quan do cầu tăng, trong khi cung không được cải thiện. Dự kiến, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD.
Năm 2022, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt khoảng 1,78 triệu tấn, thu về 4,06 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và 32% về giá trị so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD. Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021 - 1/2022), chỉ xếp sau Brazil, thông tin trên tạp chí Nhà đầu tư. |
Vân Anh (T/h)