Sau nhiều năm ngược xuôi tìm kiếm mụn con, cô giáo Văn Thị Bảo Ngân lại phải đối diện với khó khăn chồng chất vì căn bệnh ung thư buồng trứng.
Chủ tịch Công đoàn trường THCS Ea Tul đến thăm và động viên cô Ngân. |
Lận đận tìm tiếng trẻ thơ
Sau hơn 10 năm gắn bó với trường, lớp và tiếng cười nói thân thương của học trò, cô Văn Thị Bảo Ngân, SN 1985, giáo viên dạy Toán của trường THCS Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đành ngậm ngùi gửi lá đơn xin tạm nghỉ để có thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư buồng trứng.
Để hiểu hơn về hoàn cảnh của cô Ngân, chúng tôi đã tìm đến căn nhà số 17, thôn 2 (xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar) – nơi gia đình cô đang mượn của người dân để sinh sống.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một người phụ nữ gầy yếu, trên đầu không một cọng tóc đang ngồi lặng đi trước căn nhà tạm lụp xụp, xuống cấp, bên trong không có tài sản gì giá trị ngoài những chồng sách vở và quần áo cũ.
Khi được hỏi về hoàn cảnh của mình, cô Ngân cho biết, cô sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, quê ở tỉnh Thừa Thiên- Huế. Cuộc sống ở quê khó khăn, năm 1995 cả gia đình cô vào tỉnh Đắk Lắk để tìm kế mưu sinh. Kể từ đó, chị em cô Ngân lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn.
Xuất phát từ gia cảnh khó khăn, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cô Ngân đã hạ quyết tâm theo đuổi con đường học tập để mai này giúp gia đình thoát nghèo và làm hành trang cho tương lai.
Đến năm 2008, sau nhiều năm miệt mài đèn sách, cô Ngân cũng mang về cho mình tấm bằng tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk và những dự định tốt đẹp của một cô giáo trường làng.
Háo hức được đứng trên bục giảng, ngay sau khi tốt nghiệp cô Ngân xin đi dạy tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ (xã Ea Hđing, huyện Cư Mgar). Cho đến năm 2011, cô được chuyển công tác về trường THCS Ea Tul (xã Ea Tul).
Gắn bó với học trò ở vùng khó nên ngoài công việc chuyên môn, cô luôn tìm cách gần gũi các em học sinh để có thể hiểu và chia sẻ với các em nhiều hơn.
Theo đó, chỉ cần thấy học sinh có biểu hiện khác thường, có ý định bỏ học, cô Ngân liền thông qua các học sinh khác trong lớp để hỏi thăm. Không chỉ vậy, cô còn vào tận nhà để tìm hiểu, cùng phụ huynh và lãnh đạo nhà trường động viên học sinh của mình cố gắng vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục học tập.
Nói đến đây, cô Ngân chia sẻ: “Công tác ở các trường mà học sinh chủ yếu là người đồng bào Ê Đê nên lúc đầu bản thân tôi cũng gặp không ít trở ngại.
Theo đó, nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, cái ăn cái mặc chẳng đủ nên khi các giáo viên như tôi vào vận động học sinh tiếp tục đi học thì nhiều phụ huynh không chịu hợp tác.
Tuy nhiên, tôi không cho phép mình bỏ cuộc mà tiếp tục vào nhà động viên nhiều lần để đưa các em trở lại trường cho bằng được. Được sự hỗ trợ của nhà trường, hầu hết học sinh có ý định nghỉ học đều quay trở lại học tập trong niềm vui của thầy cô, bạn bè”.
Mải mê hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên, cô Ngân cũng không quên tìm hạnh phúc riêng cho mình. Năm 2011, cô lập gia đình để ổn định gia thất nhưng hành trình để có một mụn con với vợ chồng cô không mấy dễ dàng.
Sau khi kết hôn, cứ hễ ai mách ở đâu có bài thuốc hay thì vợ chồng cô lại tìm đến tận nơi mua thuốc. Tuy nhiên, những bài thuốc dân gian đã không giúp vợ chồng cô tìm được tiếng khóc của trẻ thơ.
Không còn cách nào khác, vợ chồng cô Ngân đi đến quyết định thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau nhiều năm ngược xuôi, đối diện với không ít gian nan và tốn hàng trăm triệu đồng thì năm 2018, vợ chồng cô Ngân cũng vỡ òa khi đứa con đầu tiên của mình chào đời.
Bất lực vì bệnh tật
Thế nhưng, thách thức chưa dừng lại với gia đình nhỏ của cô Ngân. Không bao lâu sau khi cất tiếng khóc chào đời, đứa con nhỏ của vợ chồng cô thường xuyên ốm đau phải đưa đến bệnh viện điều trị.
Không chỉ vậy, vào tháng 5/2020, cô Ngân thấy cơ thể có biểu hiện bất thường nên đã đến bệnh viện thăm khám thì phát hiện mình mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng. Cho đến nay, đã trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng bệnh tình ngày càng trở nặng.
Cô Ngân không cầm được nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh của mình. Thế nhưng, khi nghĩ đến số tiền phục vụ cho việc điều trị lâu dài, cô Ngân đã không ít lần nghĩ đến cái chết.
Cô Ngân nói trong nghẹn ngào: “Sau nhiều năm làm lụng, có bao nhiêu tiền, vợ chồng tôi đều dồn hết vào việc đi kiếm một mụn con. Vì vậy, dù được bố mẹ chồng cho miếng đất khoảng 400m2 trên địa bàn xã Ea Kpam nhưng nhiều năm nay vẫn không có tiền để xây nhà mà phải đi ở trọ, mượn nhà tạm của người dân để ở.
Hơn nữa, công việc làm thuê của chồng tôi lúc có lúc không nên thu nhập chẳng thấm vào đâu so với những chi phí hàng ngày trong gia đình. Trong khi đó, mỗi tháng tôi đều phải xuống bệnh viện Ung Bướu TP.Hồ Chí Minh để hóa trị 3-4 lần, kinh phí mỗi lần khoảng từ 3-4 triệu đồng.
Nghĩ đến việc chồng con phải đối diện với đồng nợ do điều trị cho mình, tôi chỉ muốn mình ra đi sớm để bản thân không bị giày vò và không trở thành gánh nặng của chồng.
Với ý nghĩ đó, thời gian tới, dù cơn đau bệnh tật chưa bao giờ vơi bớt nhưng tôi chấp nhận dừng việc điều trị, sống được ngày nào hay ngày đó chứ nhất quyết không đi vay mượn. Bởi tôi hiểu rõ, với hoàn cảnh hiện nay của gia đình thì không thể có khả năng chi trả nợ nần”.
Được biết, cách đây khoảng nửa tháng, biết mình không thể gắng gượng được nữa, cô Ngân đã làm đơn xin nhà trường cho nghỉ dạy để có thời gian điều trị.
Theo thầy Hồ Công Hoan, Chủ tịch Công đoàn trường THCS Ea Tul, từ khi về công tác tại trường, cô Ngân luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ chuyên môn được giao. Mặt khác, cô còn nhiệt tình trong mọi hoạt động của trường, được đồng nghiệp và học sinh trong trường yêu mến.
Từ khi biết cô Ngân bị bệnh, các thầy cô trong trường thay nhau dạy thay khi cô đi điều trị. Đồng thời, nhà trường đã phát động hỗ trợ trong trường và gửi hồ sơ lên Liên đoàn Lao động huyện để động viên, hỗ trợ cho cô Ngân nhưng chỉ tạm thời.
Lãnh đạo trường THCS Ea Tul cho biết, xét thấy việc điều trị phải đặt lên hàng đầu và để đảm bảo sức khỏe cho cô Ngân đi điều trị, trường đã đồng ý cho cô nghỉ hưởng lương bảo hiểm từ tháng 12/2020 đến hết năm học.
Bên cạnh đó, trường cũng đã làm báo cáo gửi lên UBND xã về hoàn cảnh của cô Ngân.
Khánh Ngọc
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (47)