3 lần được làm lễ truy điệu trước khi thực hiện nhiệm vụ, thậm chí, giấy báo tử đã được gửi về nhà nhưng ông vẫn thoát chết một cách thần kỳ. Ông bảo, chính những đồng đội đã hy sinh để cho ông được sống đến ngày hôm nay.
Cựu lính công binh Nguyễn Văn Tài. |
"Đồng đội hy sinh cho tôi được sống"
Thế giới riêng của ông là căn gác nhỏ trên tầng 2. Ở đó, ông có thể yên tĩnh để sống với những kí ức của mình. Ông bảo, đến tuổi này, còn có thể ngồi đây làm thơ, viết sử, đó là may mắn lớn nhất cuộc đời của ông. 3 lần được truy điệu sống cùng đồng đội nhưng rồi chỉ mình ông trở về. “Đồng đội đã hi sinh cho tôi được sống”, ông tâm sự khi hồi tưởng về những lần đối mặt với sinh tử trên chiến trường chống Mỹ cứu nước.
Năm 1968, chưa đầy 18 tuổi, Nguyễn Văn Tài (SN 1949), quê Duy Tiên, Hà Nam, hiện sống tại phường Hưng Phúc, Tp Vinh (Nghệ An) tòng quân nhập ngũ, phiên chế vào lực lượng công binh Trung đoàn 2 (Trung đoàn 812), Sư đoàn 324. Sau chiến dịch Tết Mậu Thân, lực lượng trung đoàn chỉ còn hơn 100 người, bao gồm cả thương binh. Lúc này, gạo không tiếp tế được, thương binh không có cháo ăn, bộ đội phải ăn măng rừng, rau rừng cầm hơi, vũ khí cũng sắp cạn, từ cao điểm 367 (phía Tây Nam Quảng Trị) trung đoàn được lệnh rút ra Quảng Bình để củng cố lực lượng rồi quay vào chiến đấu tiếp.
Để đảm bảo cho cuộc rút lui an toàn, đặc biệt là bảo vệ tính mạng của thương binh, trung đoàn để lại một tiểu đội cảm tử, có nhiệm vụ chốt chặn địch bằng bất cứ giá nào. “Gom các bộ phận lại được 11 đồng chí còn đủ sức chiến đấu, do đồng chí trung đội trưởng Thái Hữu Song (quê Hà Tĩnh) chỉ huy. Lúc nhận nhiệm vụ, chúng tôi chỉ còn 6 quả mìn, 11 quả lựu đạn, 1 khẩu B40, 10 khẩu AK và 2 cơ số đạn, chiến đấu với 2 tiểu đoàn địch. Trước khi trung đoàn rút đi, ngày 22/3/1969, đơn vị tổ chức lễ truy điệu sống cho tiểu đội cảm từ chúng tôi. 11 anh em tuổi đời còn rất trẻ, anh Song nhiều tuổi nhất mới qua 20, còn tôi hơn 18 tuổi”, ông Tài nhớ lại.
Ông Tài trong lần về thăm chiến trường xưa (tháng 3/2015). |
Suốt 3 ngày chiến đấu trên cao điểm 367, với tinh thần cảm tử, tiểu đội bẻ gãy từng đợt tấn công có yểm trợ tối đa của pháo địch, lấy vũ khí chúng để tiêu diệt chúng. Đến chiều tối ngày thứ 3, tiểu đội hi sinh gần hết, trung đội trưởng Thái Hữu Song bị đạn bắn vào bụng, Nguyễn Văn Tài bị thương ở chân.
“Tôi băng bó vết thương cho anh Song. Anh nắm tay tôi thật chặt, đôi mắt chứa chan tình cảm của một người anh dành cho đứa em. Trong hơi thở yếu ớt, anh đứt quãng “Tài… em phải sống… về… báo cáo… trung đội đã… hoàn thành… nhiệm vụ…”. Rồi anh đi. Tôi ôm lấy anh mà khóc nhưng tiếng súng địch nổ rộ ở cự ly rất gần khiến tôi bừng tỉnh. Còn 2 trái lựu đạn và vài chục viên AK, tôi sẽ quyết tử với bọn chúng.
Nhưng nếu tôi chết, ai sẽ thực hiện mệnh lệnh của anh Song? Lợi dụng đêm tối, tôi tiêu diệt được mấy tên địch nữa thì súng hết đạn. Không còn nghe tiếng súng nổ, địch ào lên hò hét “bắt sống Việt Cộng”. Trong giây phút đó, tôi quyết định mình phải sống nên phải giả chết, nín thở nằm lẫn bên xác đồng đội. Địch ào lên, lật từng xác kiểm tra, thậm chí chúng dùng lưỡi lê “xăm” lên từng thi thể để chắc chắn không còn ai sống. May, khi đến gần chỗ tôi và anh Song nằm, tên địch đưa lưỡi lê lên rồi đột ngột quay lưng đi thẳng”, ông Tài kể.
Địch tràn xuống suối hạ trại ăn mừng. Tài ngồi dậy, trào nước mắt khi thấy đồng đội mình bị sát hại hai lần. Gạt nước mắt, hai bàn tay cào bới những hố pháo, hầm để làm chỗ chôn cất cho anh em. Biết tên ai thì dùng lưỡi dao khắc tên vào thắt lưng, vào bi đông. Có những đồng đội chưa kịp biết tên…
"Gia tài" của người lính công binh 3 lần được truy điệu sống. |
Chôn cất xong đồng đội, Nguyễn Văn Tài bò ra khỏi trận địa, nhắm hướng Tây Bắc, cắt rừng mà đi. Cũng may, Tài được một trung đội nữ TNXP cứu khi đã lả đi vì đói và kiệt sức. 18 tuổi, đối với các chị, Tài vẫn còn bé lắm. Các chị lấy quần áo của mình cho Tài mặc, lấy lương khô, gạo nấu cháo cho Tài. Đêm, các chị để Tài nằm giữa, mình nằm xung quanh canh giấc cho em. Rồi cũng chính các chị dò hỏi, nhờ người đưa Tài về nơi đơn vị đang đóng quân thuộc xã Hương Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Sau 15 ngày, từ cao điểm 367, Nguyễn Văn Tài mới tìm được về đơn vị. Một tiểu đội chiến đấu với 2 tiểu đoàn địch, lại gần nửa tháng không có tin tức, đơn vị viết giấy báo tử gửi về quê. Nhận được giấy báo tử của con trai, mẹ anh khóc cạn nước mắt, mái tóc trắng xóa sau một đêm thức trắng.
Thêm 2 lần thần chết từ chối gọi tên
Sau khi Trung đoàn 2 khôi phục, củng cố lực lượng lại tiếp tục quay trở vào chiến trường Quảng Trị. Năm 1972, trung đoàn được lệnh đánh chiếm cao điểm 367 đã bị rơi vào tay địch sau Tết Mậu Thân. Tại cao điểm này, địch cho xây dựng công sự cùng hàng chục lớp dây thép gai, được pháo từ các hạm đội ngoài biển yểm trợ. Cao điểm 367 thời điểm đó được mệnh danh và pháo đài bất khả xâm phạm.
Để đánh chiếm được cao điểm 367 thì phải phá được hệ thống dây thép gai để mở cửa mở cho quân ta tiến lên. Tuy nhiên, hệ thống các lớp thép gai này lại được bảo vệ bằng những bãi mìn chằng chịt. Phải phá gỡ số bom mìn này? Nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm, có thể là cầm chắc cái chết.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tài (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng đồng đội trong lần về thăm chiến trường Trị - Thiên. |
Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Phong (Thanh Hóa) và Nguyễn Trung Tính (Hải Phòng) xung phong nhận nhiệm vụ phá mìn. Đơn vị tổ chức làm lễ truy điệu sống cho 3 người trước khi thực hiện nhiệm vụ. Trườn vào vị trí thực hiện nhiệm vụ, địch bắn như vãi đạn. Nguyễn Văn Phong hi sinh tại chỗ. Tình và Tài vẫn kiên trì, bất chấp hiểm nguy, trườn lên phía trước, nhanh chóng vô hiệu hóa bãi mìn vừa đủ để đồng đội ôm bộc phá lên phá hàng rào. Khi khối bộc phá phát nổ cũng là khi Tài và Tính bị thương. Cửa mở được mở, trung đoàn ào lên chiếm lĩnh trận địa.
Năm 1974, Trung đoàn 2 tiến vào Thừa Thiên – Huế. Lúc này, giao tranh giữa ta và địch đang bước vào giai đoạn cực kỳ ác liệt. Tiểu đội của Nguyễn Văn Tài được giao nhiệm vụ đánh sập một cây cầu, ngăn không có địch tràn sang bờ bên này. Địch án ngữ bờ bên kia, ta án ngữ bờ bên này. Hai bên giành giật nhau từng mét cầu. Lực lượng địch đông hơn, khí tài vũ khí hiện đại hơn. Cấp trên truyền lệnh xuống, phải đánh sập cầu không cho địch tiến sang bên này. Chúng tôi được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”, ông Tài nhớ lại.
10 đồng chí, mỗi người ôm 20kg bộc phá, có nhiệm vụ chạy ra giữa cầu, điểm nổ để khối bộc phá phá hủy hoàn toàn chiếc cầu này. Lần này, tiểu đội lại được tổ chức truy điệu sống. “Thời khắc ấy, dường như chúng tôi không biết sợ chết. Chỉ có nhiệm vụ là quan trọng nhất”, người cựu binh nói.
Khi 10 người ôm bộc phá trườn lên cầu, từ trong bờ, lực lượng pháo binh bắn dồn dập để ghìm chân địch. Khi khối bộc phá được chất lên mặt cầu, anh em được lệnh rút về sau, Nguyễn Văn Tài nhận lệnh lên điểm hỏa kích nổ khối bộc phá. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, Tài bị hất văng xuống sông. Thêm một lần nữa, Nguyễn Văn Tài thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau khi bị bắn xuống sông, Tài ngất xỉu, dạt vào bờ và được dân quân địa phương cứu sống, chăm sóc rồi dẫn về đơn vị để kịp tham gia giải phóng Huế. Trong vụ nổ này, Nguyễn Văn Tài bị sức ép của khối bộc phá khiến một bên tai bị điếc và bị thương.
Trong khí thế thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nguyễn Văn Tài cùng đồng đội lại hành quân vào Nam. Hoà bình lập lại, Nguyễn Văn Tài kịp tìm cho mình một mái ấm gia đình ở Nghệ An rồi tiếp tục hành quân sang Camphuchia giúp bạn chống “Khơ-me đỏ”. Bao nhiêu năm chiến trận, 3 lần được truy điệu sống, 2 lần bị thương, thậm chí đã có giấy báo tử nhưng Nguyễn Văn Tài vẫn sống sót một cách thần kỳ. “Đồng đội đã nhường phần sống cho tôi…”, ông trầm ngâm.