Một bài bình luận trên tạp chí Forbes đánh giá Việt Nam là quốc gia thành công nhất khi đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến công du 12 ngày của ông.
Tổng thống Trump đã có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của những quốc gia giàu mạnh nhất châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc kể từ khi ông bắt đầu chuyến công du kéo dài 12 ngày qua 5 quốc gia.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và được tiếp đón long trọng nhưng không kém phần gần gũi, thân mật như những người bạn cũ. Tuy nhiên, rõ ràng là cho đến cuối hành trình, ông Trump không đạt được kết quả đột phá về các vấn đề như tăng cường sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe đã thảo luận khá nhiều về thương mại nhưng dường như chính sách của 2 quốc gia đang có xung đột lợi ích thay vì thống nhất đưa ra được thỏa thuận ngắn hạn.
Forbes cho rằng Việt Nam là quốc gia thành công nhất khi đón Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Forbes |
Điểm đến cuối cùng của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Philippines, nơi lần đầu tiên ông gặp trực tiếp Tổng thống Rodrigo Duterte. Thế nhưng, rõ ràng là ấn tượng của ông Trump đối với ông Duterte không được hoàn hảo lắm bởi vì nhà lãnh đạo Philippines đã nhiều lần chỉ trích nước Mỹ.
Ấn tượng của ông Donald Trump đối với các nhà lãnh đạo châu Á vẫn đóng vai trò quan trọng bởi trước chuyến thăm, ông Donald Trump vẫn chưa thực sự rõ ràng về chính sách sắp tới đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lập kế hoạch "xoay trục châu Á" từ năm năm 2011 mà trong đó Washington tăng cường hỗ trợ về mặt kinh tế và quân sự cho các quốc gia Châu Á.
Trong điều kiện như vậy, Việt Nam lại rất thành công khi đạt được những kỳ vọng trước đó vào chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đầu tiên, về vấn đề Biển Đông, trong quá khứ, ông Trump từng điều một số tàu hải quân Mỹ đi qua khu vực này để chứng minh quan điểm rằng Washington luôn muốn duy trì tự do hàng hải, bất chấp những phản đối từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang. Ảnh: Forbes |
Ngày 12/11 vừa qua, tại Hà Nội, ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Trump đã khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề Biển Đông, thậm chí là đề nghị giúp đỡ hòa giải hoặc phân xử tranh chấp.
Bên cạnh đó, Việt Nam bày tỏ mong muốn rằng Mỹ vẫn quan tâm đến thương mại tự do cho dù đã rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay sau khi ông Trump nhậm chức. Trong năm 2016, thương mại chiếm 89% trong tổng số 201 tỷ USD Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Ngành sản xuất các mặt hàng như phụ tùng xe hơi và đồ điện tử tiêu dùng đã đóng góp rất lớn trong việc giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm kể từ năm 2012. Việt Nam là một trong 12 thành viên thuộc TPP gốc do Mỹ hỗ trợ.
Trong chuyến công du vừa qua, ông Trump đã nói với Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng ông mong muốn thương mại 2 chiều sẽ theo hướng "công bằng và đối ứng" mặc dù thâm hụt của Việt Nam đã giảm.
Ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Philippines, kết thúc chuyến công du với các chặng dừng bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam. Ông cũng tuyên bố chuyến công du châu Á thành công vang dội và dự kiến sẽ có phát biểu quan trọng trong tuần này về chuyến đi khi trở về Nhà Trắng.
Đặc biệt, Tổng thống Trump đã đăng đoạn video dài 45 giây lên tài khoản Twitter. Video bao gồm những cảnh quay chậm, tóm tắt lại hành trình kéo dài 12 ngày qua 5 quốc gia châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines của nhà lãnh đạo Mỹ. Mặc dù ông Trump không chính thức đặt tên nhưng ông đã đăng video với lời nhắn “cảm ơn châu Á” sau chuyến công du 12 ngày của mình.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Forbes)