(ĐSPL) - Việc xích con như súc vật là không thể chấp nhận được . Pháp luật nghiêm cấm. Ông Bố phải bị xử lý theo quy định pháp luật.” – Luật sư Cường phân tích.
Bé Sỹ (12 tuổi, ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc) bị bố xích cổ tại một gốc cây vì không nghe lời, sau đó cháu tìm cách tháo xích thoát được ra ngoài và đi lang thang. PV báo Đời sống & Pháp luật đã trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp về vấn đề này.
Luật sư Đặng Văn Cường cho hay: “Hành động xích cổ con mình bằng khóa và dây xích như trường hợp trên là không thể chấp nhận được ở bất kỳ thời đại, xã hội nào. Theo quy luật phát triển, xã hội càng văn minh, quyền con người càng được đảm bảo, trong đó có quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền được phát triển toàn diện. Đặc biệt quyền trẻ em được nhiều văn bản quốc tế và luật pháp quốc gia ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ”.
Trong vụ việc này, người cha của em bé bị xích cổ đã giải thích lý do mình hành động như vậy vì em bé quá ngỗ ngược, cần phải trị cho một bài học. Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Văn Cường, dù em bé đó có trộm cắp, ngỗ nghịch, không thể dạy được thì phương pháp xích như với súc vật cũng không được luật pháp cho phép.
“Pháp luật nghiêm cấm và ông bố phải bị xử lý theo quy định pháp luật.” – Luật sư Cường phân tích.
Luật sư Cường cho hay: “Việt Nam rất tôn trọng và bảo vệ quyền của trẻ em. Ssau khi gia nhập công ước về quyền trẻ em từ năm 1981, Việt Nam đã ban hành rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chăm sóc, bảo vệ trẻ em."
Luật pháp đã quy định nhưng từ trước đến nay vẫn xảy ra không ít vụ cha mẹ bạo hành, xích, nhốt con cái. Theo ông luật sư, vẫn còn tồn tại một bộ phận các ông bố, bà mẹ có tư tưởng lạc hậu, dạy con theo cách “thương cho roi cho vọt”. Khi trẻ có những biểu hiện ngang ngược, ương bướng, họ thường áp dụng các cách thức dạy con như: đánh, chửi, xích chân tay… và cho rằng khi trẻ bị áp dụng các hình phạt này sẽ sợ hãi mà không dám tái phạm nữa.
Ông Cường cho rằng, đây là cách suy nghĩ thiển cận, không mang lại lợi ích còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển tâm sinh lý của các cháu sau này.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, vấn đề đặt ra là phổ biến pháp luật, cách thức giáo dục con cái cho các ông bố, bà mẹ, đặc biệt là đối với dân cư các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi vẫn theo nếp sống lạc hậu, ít có điều kiện tiếp xúc với nền văn hóa mới”.
Nội dung giáo dục trẻ em phải được đưa vào trong sách vở, trường học để giúp các em nhận thức đúng đắn về quyền của mình. Các cấp, các ngành, nhà trường, địa phương cần nắm bắt về những ông bố bà mẹ có hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em để xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật và làm gương cho những cá nhân khác.
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được sửa đổi, bổ sung năm 2004 quy định: Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự... Nghiêm cấm các hành vi sau đây: ... 6. Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt,... Trong trường hợp hành vi của người cha gây hậu quả nghiêm trọng, nghĩa là diễn ra thường xuyên, có hệ thống làm cho người bị hại luôn bị dày vò, khủng hoảng, đau đớn về thể xác, tinh thần… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình”. Trường hợp chưa thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, có thể bị xử lý hành chính. |
XUÂN TÙNG
[mecloud]sxSotKJUWT[/mecloud]