Ngành đường sắt buộc phải dùng xe ôtô để trung chuyển, giải cứu các hành khách trên các chuyến tàu đang mắc kẹt do nước lũ.
Lớp đất chân đường ray bị xói mòn khiến giao thông bị ảnh hưởng. Ảnh: Kênh 14 |
Do ảnh hưởng của bão số 9 khiến tuyến đường sắt qua Ninh Thuận bị tê liệt. Ảnh: Kênh 14 |
Hồi 10h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km.
Trước đó, khoảng 21h30 ngày 24/11, mưa lớn khiến hai khu vực tại Suối Cát (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) và Ninh Thuận bị ngập đường sắt, khiến 7 đoàn tàu bị mắc kẹt không thể di chuyển.
Vì vậy, từ tối qua đến sáng nay (25/11), tất cả các tàu Bắc và Nam chạy đến khu vực Cà Ná, Hòa Tân đều phải dừng lại khẩn cấp. "Mưa lũ ở Ninh Thuận gây ngập đường ray, xói mòn lớp đất chân đường ray khiến giao thông bị ảnh hưởng", vị lãnh đạo ngành đường sắt chia sẻ.
Lãnh đạo Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, đơn vị đã hợp đồng 13 xe khách từ Nha Trang chuyển tải hàng nghìn hành khách bị kẹt tàu.
Cụ thể, ngành đường sắt đã lên kế hoạch chuyển tải hành khách giữa ga Nha Trang – Tháp Chàm trên các tàu SE10, SE2, SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 24/11. Ngành đường sắt sẽ tổ chức chuyển tải hành khách của tàu SE1 xuất phát ngày 23/11 bằng ô tô từ Hoà Tân đến Tháp Chàm, tổ chức chuyển tải hành khách của tàu SE21 xuất phát từ Huế ngày 24/11 bằng ô tô từ Suối Cát đến Tháp Chàm.
Đồng thời, đường sắt sẽ chuyển tải hành khách của tàu SE3 xuất phát từ Hà Nội ngày 23/11 bằng ô tô từ Ngã Ba đến Tháp Chàm và bàn giao hành khách các tàu SE5, SE7 xuất phát từ ngày 24/11 cho ban chuyển tải tại ga Nha Trang.
Bên cạnh đó, hai chuyến tàu SE22 và SQN4 xuất phát từ ga Sài Gòn hôm nay cũng sẽ ngưng khai thác. Các hành khách sẽ được bố trí đi chuyến tàu trong ngày tiếp theo để bảo đảm an toàn.
Nhiều khu dân cư ở xã Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh) ngập sâu do mưa lũ. Ảnh: Zing.vn |
Trong 24 giờ qua, Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Đặc biệt là ở khu vực phía nam tỉnh. Trong đó, lượng mưa rất lớn đã xảy ra ở xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh tới 272,4 mm, gần bằng lượng mưa đã gây sạt lở kinh hoàng ở Nha Trang xảy ra ngày 18/11.
Ở các địa phương Khánh Hòa cũng xảy ra những trận mưa giông như trút nước. Tại Cam Ranh, trạm đo mưa ở Ba Ngòi đo được 183,8 mm, Cam Phước Tây 178,4 mm. Tại Khánh Sơn, trạm đo Tô Hạp đo được 124,8 mm, Sơn Hiệp 103,4 mm. Ở xã Suối Cát (Cam Lâm), tổng lượng mưa trong 12 giờ qua là 119,6 mm...
Theo dự báo, trong 6 giờ tới trên khu vực tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 80 đến 120 mm, có nơi cao hơn.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)