Uống cà phê muối có hại cho sức khỏe không?
Cà phê muối được tạo ra từ việc pha trộn các nguyên liệu từ cà phê, muối, kem và sữa đặc, tạo hương vị đặc trưng mà một số bạn trẻ đánh giá là độc đáo.
Tuy nhiên, một số người sau khi thưởng thức nước uống này lại cho rằng vị mặn làm mất hết hương vị cà phê. Có người còn tỏ ra lo ngại nếu uống loại cà phê muối này sẽ vô tình nạp thêm muối vào cơ thể tạo ra gánh nặng với tim, thận, huyết áp.
VTC News dẫn lời PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, người Việt đang tiêu thụ lượng muối gấp gần 2 lần so với khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế thế giới). Uống thêm cà phê cho muối nữa sẽ khiến lượng muối tiêu thụ vào cơ thể lớn hơn. Việc ăn nhiều muối không mang lại lợi ích cho sức khoẻ mà tăng nguy cơ bệnh tật.
Nếu tò mò bạn có thể thử cà phê muối nhưng cần giảm nhu cầu muối trong khẩu phần bữa ăn. Trung bình một người chỉ nên ăn dưới 5g/ngày.
Vị chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo không nên uống quá nhiều cà phê muối, tránh việc dung nạp thêm muối vào cơ thể. Ăn hay uống các thực phẩm có muối sẽ tác động tới sức khoẻ. Chế độ ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra rối loạn khác cho sức khỏe.
Mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn hằng ngày để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ,nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Cà phê là nước uống giúp chúng ta tỉnh táo và hoạt bát hơn. Các nghiên cứu cho thấy caffeine trực tiếp kích thích tủy sống và vỏ não, vì thế nó giúp bạn cảm thấy tỉnh táo. Khi uống cà phê mọi người sẽ cho thêm một chút đường để giảm độ đắng nhưng không mất hương thơm và mùi vị của cà phê. Cà phê cũng chỉ nên dùng 1-2 tách mỗi ngày.
Hai nhóm người tuyệt đối không uống cà phê muối
Theo thông tin trên VietNamNet, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa - Phó Chủ nhiệm khoa Tim mạch và Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, Ăn nhiều muối gây bệnh lý tăng huyết áp ở người trẻ. Vì vậy, các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều khuyến cáo dù trẻ hay già, bạn vẫn cần ưu tiên giảm muối mỗi ngày.
Bác sĩ Hòa nhấn mạnh 2 đối tượng đặc biệt không nên uống cà phê muối là người bị tăng huyết áp và suy tim. Người có các vấn đề trên chỉ được tiêu thụ khoảng 2-3g muối mỗi ngày. Lượng muối trong thức ăn đã quá đủ quy định. Nếu bạn uống thêm ly cà phê muối có thể gia tăng trữ nước khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động nhiều hơn bao gồm cả hệ tim mạch.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM cho rằng người uống không biết chính xác lượng muối trong cà phê. Hơn nữa, người pha chế còn cho thêm sữa đặc nên người uống không có cảm giác mặn. Nhưng về lâu dài, đưa quá nhiều muối vào cơ thể không tốt, đặc biệt với tim mạch.
Người đang điều trị tiểu đường, tăng huyết áp hết sức cảnh giác khi dùng cà phê muối vì khiến việc điều trị khó khăn hơn.
Khi dùng cà phê muối thường xuyên, bạn nên qua tâm tới sức khỏe, có thể đi kiểm tra huyết áp, đường huyết. Hai bệnh lý này khá phổ biến nhưng không có triệu chứng nên nhiều người chủ quan. Nếu có sẵn bệnh lý tăng huyết áp hay đái tháo đường, bạn vô tình đưa thêm muối vào cơ thể, làm gia tăng gánh nặng bệnh lý.
Thùy Dung (T/h)