Theo nguồn tin giấu tên của Bloomber, chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đang đàm phán với nhà sản xuất vũ khí Diehl Defense có trụ sở tại Bavaria (Đức) để đặt mua 8 hệ thống chống tên lửa IRIS-T với khối lượng hợp đồng từ 2 tỷ đến 3 tỷ euro.
Lá chắn này, cùng các hệ thống khác, sẽ được sử dụng với mục đích bảo vệ Đức cũng như các nước láng giềng khỏi các cuộc tấn công tên lửa. Chi phí của hệ thống tên lửa có thể thay đổi trong thời điểm đàm phán đang diễn ra.
Được biết, Đức đã bắt đầu đại tu ngành công nghiệp quốc phòng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt cách đây gần 1 năm, bao gồm việc đẩy mạnh sản xuất nguồn cung vũ khí quan trọng. Vào năm 2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố một quỹ chi tiêu trị giá 100 tỷ euro để hiện đại hóa Bundeswehr (quân đội Đức) và và tăng cường chi tiêu quốc phòng hàng năm. Quỹ sẽ được sử dụng để tài trợ cho các giao dịch quốc phòng.
Gói chi tiêu quốc phòng tổng thể sẽ bao gồm hệ thống Arrow 3 do Israel Aerospace Industries sản xuất, và hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Đức có thể phải chi lần lượt 4 tỷ euro và 10 tỷ euro cho 2 hệ thống này.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức đã từ chối bình luận về chi tiết nhưng xác nhận các cuộc đàm phán đang diễn ra. Mục tiêu của Đức là xây dựng một lá chắn chống tên lửa hiện đại và tích hợp lá chắn này vào Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu đã được lên kế hoạch.
Lá chắn chống tên lửa lần đầu tiên được ông Scholz công bố trong bài phát biểu tại Praha vào tháng 8/2022. Trong đó, ông nói rằng Đức sẽ đầu tư đáng kể vào hệ thống phòng không trong những năm tới vì châu Âu có "rất nhiều việc phải làm". Ông nói thêm rằng một hệ thống tích hợp như vậy sẽ hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với việc mỗi quốc gia xây dựng các hệ thống phức tạp của riêng mình.
Ít nhất 15 quốc gia - chủ yếu nằm trong liên minh quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã ký một lá thư về ý định tham gia kế hoạch trên.
Minh Hạnh (Theo Bloomberg)