Nước Mỹ thời ông Trump sẽ có chính sách ngoại giao thế nào với ASEAN? Ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược, học viện Ngoại giao đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên...
Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố chấm dứt chính sách tái cân bằng, hay còn gọi là “xoay trục” sang châu Á của người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Obama. Ông có đánh giá gì về vấn đề này, liệu nó có phải chỉ là việc thay đổi thuật ngữ?
Hiện nay chính sách của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương chưa định hình rõ ràng, nên chưa thể nói chính xác về chính sách này. Tuy nhiên, căn cứ vào lợi ích của nước Mỹ, thực trạng quan hệ Mỹ với các nước ASEAN thời gian gần đây, có thể tin rằng nếu Mỹ có xoá bỏ chính sách cũ thì cũng chỉ xoá bỏ cái tên, còn nội hàm, mục tiêu chắc không thay đổi.
Từ ngày ông Trump nhậm chức đến nay, có thể thấy, Mỹ ưu tiên xử lý các vấn đề trong quan hệ với đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là với đối tác chủ chốt Trung Quốc.
Việc Mỹ thay đổi bao nhiêu %, thay đổi đến mức nào, như thế nào, cần thêm thời gian mới đánh giá được. Riêng tên gọi của chính sách cũ là tái cân bằng hay xoay trục, chắc chắn không được dùng nữa.
Ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược, học viện Ngoại giao trò chuyện cùng phóng viên báo Người Đưa Tin. |
Chính quyền Tổng thống Trump có vẻ đang dành ưu tiên với các đồng minh Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ông, dưới thời Tổng thống Trump, các nước ASEAN có thu hút được sự quan tâm từ Mỹ như thời của cựu Tổng thống Obama?
Hiện tại trong số các nước ở Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ ưu tiên các nước ở Đông Bắc Á hơn Đông Nam Á, vì ở đó có nhiều vấn đề cấp bách hơn với họ.
Thứ nhất là vấn đề Triều Tiên đang rất nóng. Thứ hai là vấn đề các nước đồng minh, hoặc đối tác họ cần phải xử lý trước như Mỹ-Trung, Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn.
Chính sách của chính quyền ông Trump dành cho khu vực Đông Nam Á dường như hiện chưa được định hình rõ rệt. Tới đây, phó Tổng thống Mỹ sẽ thăm châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Indonesia, như vậy là ít nhiều họ đã đặt lên bàn cân, tuy nhiên trước mắt mới ở góc độ đối tác song phương.
Còn với tư cách làm một tổ chức thì cho tới giờ, quan hệ Mỹ-ASEAN sẽ như thế nào, các cơ chế đa phương ở ASEAN sẽ ở cơ chế nào, vị trí như thế nào với Mỹ vẫn còn chưa rõ.
Theo ông, ông Trump sẽ coi trọng điều gì nhất trong quan hệ với ASEAN?
Căn cứ vào chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung, có thể thấy Washington đang ưu tiên xử lý 3 vấn đề:
Thứ nhất là chống IS, vấn đề này chủ yếu tập trung ở Trung Đông, châu Phi nhưng nếu Đông Nam Á nổi lên thành khu vực bị IS tác động mạnh, thì có thể đây sẽ là nơi Mỹ hợp tác thúc đẩy chống khủng bố.
Vấn đề IS ở Đông Nam Á gần đây trở nên đáng lo ngại hơn vì có các mạng lưới thuần phục IS, hoặc một số nhóm khủng bố tham gia tuyển quân.
Thứ hai, Mỹ coi thương mại bất bình đẳng nhất là với Trung Quốc và với một số nước châu Á - Thái Bình Dương, lấy đi công ăn việc làm của nước này.
Thứ ba, Mỹ đang xử lý các quan hệ đồng minh, đối tác và ưu tiên xử lý các vấn đề cấp bách, hướng vào bên trong rất nhiều. Điều này tác động đến nhập cư nhất là người nhập cư Hồi giáo.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Mỹ đang dự kiến cắt giảm ngân sách ngoại giao và các cơ quan viện trợ của Mỹ nên nhiều khả năng các chương trình như nghiên cứu nguồn nước, biến đổi khí hậu hoặc các trợ giúp nhân đạo sẽ bị cắt bớt. Những cái đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án hợp tác cụ thể ở tầm vi mô.
Vậy ông có thể dự báo về chính sách của chính quyền ông Trump ở ASEAN ?
Lợi ích của Mỹ ở ASEAN là rất lớn. Hiện nay khu vực Đông Nam Á đang chuyển dịch quyền lực rất lớn. Sự nổi lên của Trung Quốc càng làm cho ASEAN quan trọng với Mỹ và cả Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong quá trình dịch chuyển thì Mỹ cũng phải chấp nhận một thực tế rằng lợi ích cần được chia sẻ. Dựa vào căn cứ trên có thể đưa ra 3 dự báo:
Thứ nhất, Mỹ sẽ vẫn quan tâm đến Đông Nam Á nhưng mức độ không bằng thời ông Obama.
Thứ hai, quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chiến lược, vấn đề lớn như lợi ích địa chiến lược, chứ không đi vào vấn đề cụ thể như vấn đề lao động, việc làm, thu nhập. Sự quan tâm là có trọng điểm chứ không dàn trải như thời ông Obama.
Thứ ba là cách quan tâm thay đổi theo hướng ưu tiên vào quân sự.
Vậy theo ông, các nước ASEAN nên chuẩn bị điều gì khi chính sách xoay trục sang châu Á bị chính quyền Mỹ xoá bỏ?
Hiện giờ chính sách của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương chưa rõ ràng. Ở Mỹ, người ta quan tâm nhiều đến vấn đề nội bộ do sự nổi lên của chủ nghĩa dân tuý, xu hướng hướng vào bên trong.
Bản thân quá trình xây dựng bộ máy nội các, ê kíp của chính quyền ông Trump cũng chưa hoàn thành nên khó để bình luận nhiều hơn về vấn đề này.
Về cơ bản, các nước ASEAN hiện nay vẫn phải chờ xem tình hình diễn tiến ra sao, đặc biệt khi mà tới đây có nhiều chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ tới Đông Nam Á.
Xin cảm ơn ông!
Đào Vũ