+Aa-
    Zalo

    Đột phá từ trao quyền tự chủ đại học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như thế nào và cần thực hiện ra sao là chủ đề “nóng”, đang được cơ quan quản lý và lãnh đạo các trường đại học quan tâm.

    Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như thế nào và cần thực hiện ra sao là chủ đề “nóng”, được cơ quan quản lý và lãnh đạo các trường đại học đề cập tại nhiều diễn đàn, hội nghị thời gian gần đây.

    Theo nhiều chuyên gia, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo bước đột phá, tháo gỡ khó khăn để phát triển mạnh mẽ giáo dục đại học Việt Nam. Bởi tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

    Tự chủ đại học gắn với trách nhiệm của các trường

    Đánh giá về thực trạng giáo dục đại học hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chia sẻ: Có rất nhiều chỉ số đã chỉ ra rằng giáo dục đại học nước ta đang “có vấn đề”. Ví dụ như số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm; bên cạnh đó, trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI và 20.000 tạp chí Scopus chuyên công bố các nghiên cứu đề tài khoa học quốc tế thì không có một tạp chí nào thuộc một trường đại học của Việt Nam. Đây là hai trong nhiều chỉ số cho thấy, Việt Nam cần đổi mới giáo dục đại học toàn diện, mạnh mẽ hơn.

    Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đánh giá: Trong hệ thống giáo dục - đào tạo của nước ta hiện nay, giáo dục đại học có thể nói là yếu nhất, chất lượng đầu ra bị buông lỏng do tâm lý trọng bằng cấp; quy mô đào tạo thiếu tính kết nối với thị trường lao động dẫn đến cung nhiều, cầu ít. Do vậy, giáo dục đại học cần nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, trong đó, tự chủ đại học là một trong các giải pháp quan trọng.

    Hội nghị quốc tế "Các mô hình quản trị đại học trong môi trường giáo dục đại học hiện nay" tại Thừa Thiên - Huế mới đây. Ảnh TTXVN

    PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng: Trong một thời gian dài, giáo dục đại học Việt Nam dựa trên cơ sở chi phí thấp nên đã hạn chế sự phát triển. Khoản thu hiện nay chủ yếu từ học phí. Vì vậy, mục đích của việc trao quyền tự chủ cho các trường là để các cơ sở sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phản ứng tốt trước tác động của thị trường và yêu cầu mới của xã hội.

    PGS.TS Bùi Anh Tuấn cũng chia sẻ: Trong thời gian qua, đã có một số mô hình về tự chủ đại học như mô hình của Đại học Quốc gia, mô hình đại học vùng và một số mô hình của các trường đã được tự chủ về tài chính... Tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình và đây là định hướng chiến lược đối với giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

    Tính đến nay, Chính phủ đã giao cho15 trường đại học thực hiện thí điểm tự chủ. Trên cơ sở thực hiện của các trường có thể thấy, tự chủ đại học gắn với trách nhiệm của các trường là hướng đi đúng để nâng cao năng lực của các trường, nâng cao ý thức cạnh tranh trong nội bộ một trường đại học và nâng cao cạnh tranh của các trường với nhau, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên.

    Các trường khi thực hiện tự chủ đều hướng tới tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và mong muốn triển khai thực hiện đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục, giúp cho việc nâng cao chất lượng của các trường đại học.

    Từ thực tiễn triển khai thí điểm tự chủ đại học tại Việt Nam những năm qua cho thấy, minh bạch thông tin là một trong ba vấn đề lớn của tự chủ đại học. Các trường mới chỉ cung cấp thông tin cho người học theo “ba công khai” (công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính), chứ chưa theo các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục đại học.

    Theo nhận xét của GS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, con số công khai trên website của nhiều trường rất “lung linh” nhưng trên thực tế thì không phải như vậy.

    Một vấn đề nữa đối với tự chủ đại học là hiện nay, các tổ chức đoàn thể, viên chức và người học chưa có ý thức về tầm quan trọng của giám sát hoạt động. PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết: Trong các trường đã thành lập Hội đồng trường bước đầu xuất hiện một số vấn đề trong phối hợp giữa Hội đồng trường, Ban giám hiệu và Đảng ủy. Hội đồng trường chưa phát huy được vai trò trong tự chủ đại học do chưa có quy định rõ ràng về quyền gắn liền với trách nhiệm của Hội đồng trường cũng như còn nhiều bất cập trong quy định về tổ chức của Hội đồng trường.

    PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho rằng: Trong Hội đồng trường nên có một tổ giám sát độc lập để kiểm tra việc thực hiện các cam kết của nhà trường, việc thực thi các quyết nghị mà Hội đồng trường đã ban hành; nên có một kênh thông tin để Hội đồng trường biết được những việc đang triển khai tại trường thay vì định kỳ 6 tháng một lần.

    Nói cách khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những thay đổi căn bản về mặt pháp lí và cơ chế hoạt động để Hội đồng trường thật sự phát huy tác dụng.

    Tạo môi trường pháp lý minh bạch để các trường tự chủ

    PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần tăng cường triển khai tự chủ đại học, để các trường tự chủ trong mọi vấn đề. Đặc biệt, cần gỡ bỏ rào cản học phí “thấp nhất thế giới” càng sớm càng tốt. Nếu học phí thấp, các trường sẽ chạy theo số lượng để có đủ kinh phí vận hành đơn vị.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tất cả các trường đại học phải tự chủ, nhưng là tự chủ có lộ trình. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Hiện nay, 15 trường đang thực hiện tự chủ đại học là thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm nhằm triển khai và nhân rộng. Cơ quan quản lý nhà nước vẫn cùng đồng hành với các trường thực hiện tự chủ và cấp kinh phí theo nhiệm vụ, chất lượng đào tạo, không phân biệt công lập hay tư thục...

    Theo đó, các trường đại học cần đổi mới quản trị đại học theo hướng tự chủ, rà soát lại các ngành đào tạo trên cơ sở bám theo nhu cầu thị trường lao động, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ tầm nhìn 5 – 10 năm, trong đó lưu ý ưu tiên những ngành phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với những ngành đào tạo có triển vọng, các trường cần tập trung đầu tư giảng viên cả về số lượng lẫn chất lượng.

    Bộ trưởng cho rằng: Các trường hiện nay gần như không có vướng mắc gì nhiều về tự chủ học thuật, tự chủ tài chính. Các trường có thể liên kết với nhiều đối tác để nhập khẩu chương trình đào tạo, công nghệ giảng dạy, thậm chí là thu hút giảng viên. Riêng tự chủ tài chính, phải đảm bảo nguyên tắc cân đối với chất lượng đào tạo, tránh đội và không minh bạch.

    Mỗi trường có thể chọn khoảng 1/4 ngành nghề đào tạo để đầu tư theo hướng chất lượng cao. Hiệu trưởng các trường phải xây dựng và thông báo trước mức học phí để người học lựa chọn. Đây là cơ hội để các trường đa dạng hóa nguồn thu.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Giáo dục Đại học, các nghị định có liên quan để tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng giúp các trường có thể tự chủ được.

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Nếu cơ chế, chính sách hợp lý thì sẽ không tốn nhiều tiền mà có thể khơi dậy được năng lực cũng như sự sáng tạo của con người. Riêng các cơ sở giáo dục đại học, cần chú trọng hơn nữa đến khâu truyền thông, để xã hội có thể biết được những thay đổi đang diễn ra cũng như chất lượng đào tạo của các trường

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các trường phải nâng cao năng lực và chú trọng vấn đề kiểm định chất lượng. Thực chất của kiểm định chất lượng không phải để xếp hạng hay nhận chứng chỉ mà để các trường có kế hoạch tập trung nguồn lực khắc phục những điểm yếu.

    Năm 2017, sẽ thực hiện kiểm định hết những trường đã đánh giá trong và đăng ký đánh giá ngoài theo bộ tiêu chí đã ban hành; năm 2018, sẽ áp dụng theo chuẩn đánh giá của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN). Trong đánh giá, phân tầng, xếp hạng sẽ đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch, không phân biệt trường công, trường tư.

    Nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả kiểm định, chọn một số trường có chất lượng để đầu tư. Bên cạnh đó, qua rà soát và kiểm định các cơ sở giáo dục đại học, nếu trường nào quá yếu, thì phải chấp nhận các giải pháp giải thể, sáp nhập.

    VIỆT HÀ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dot-pha-tu-trao-quyen-tu-chu-dai-hoc-a179572.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan