(ĐSPL) - Dư luận đã từng nhiều lần nóng lên, khi mổ xẻ vấn đề hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm. Đa số ý kiến tập trung làm rõ trách nhiệm của ngành giáo dục. Thế nhưng mới đây, tại hội thảo về các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống trường ĐH, CĐ ngoài công lập, có ý kiến của người đứng đầu trường ĐH lại cho rằng, quan điểm đó là không đúng. Vậy, giáo dục đang cần một cái nhìn rộng lượng hay là mổ xẻ tới cùng những sai lệch về quy hoạch?
Còn tâm lý thích làm thầy
Mới đây, GS. Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có phát biểu gây tranh cãi tại hội thảo về các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Theo đó, vị giáo sư cho rằng, lâu nay, báo chí nói nhiều về hiện tượng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH chưa kiếm được việc làm, coi đó như cái họa mà ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm. Theo vị Hiệu trưởng này, đây là một quan niệm không đúng. Ông đưa ra quan điểm, đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp với nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung.
Một lần nữa, dư luận lại nóng câu chuyện trách nhiệm của ngành giáo dục đối với vấn đề sinh viên thất nghiệp. Cách đây ít lâu, khi chia sẻ với PV báo ĐS&PL, một vị đại biểu Quốc hội đã rất trăn trở về phản ánh của cử tri nơi mình ứng cử cho biết, cử tri vô cùng buồn lòng khi đã cố vay hàng trăm triệu đồng để nuôi con học đại học, mong một tương lai tươi sáng. Thế nhưng đáng buồn thay, khi bước chân khỏi ghế nhà trường, con của họ không thể làm đúng ngành nghề. “Bây giờ họ nợ nần, con thì không có việc làm đúng ý. Họ lại ước giá như không cố cho con đi học, vừa không phải nợ mà con họ có thể giúp kinh tế gia đình khá giả hơn bằng sức lao động của 4 năm ngồi trên giảng đường”, vị đại biểu này kể.
Hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm. |
Trở lại câu chuyện trên, một chuyên gia giáo dục (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Lỗi không phải hoàn toàn do ngành giáo dục nhưng cũng không thể nói là không có lỗi. Nguyên nhân có rất nhiều nhưng một điều có thể thấy rõ là ngành giáo dục đang đào tạo những gì mình có mà không đào tạo những gì xã hội cần”. Cũng theo những phân tích của vị chuyên gia này, khi tìm kiếm chỉ tiêu để cấp định mức tuyển sinh cho các trường của bộ GD&ĐT, chúng ta sẽ chỉ thấy các chỉ tiêu về diện tích nhà trường, số lượng giáo viên cơ hữu và giáo sư tiến sĩ của nhà trường... Như vậy, các tiêu chí hoàn toàn không theo quy luật của thị trường. Ví dụ, một trường có nhiều giáo sư, tiến sĩ về ngành ngân hàng, nếu cứ xét theo số lượng giáo sư, tiến sĩ đó để cấp chỉ tiêu đào tạo cho trường thì sinh viên dư thừa là điều dễ hiểu.
Cũng theo những chỉ tiêu này, nếu những ngành khác đang có nhu cầu nhân sự mà trường đào tạo ngành đó không đủ giáo sư, tiến sĩ, sẽ dẫn đến thiếu nhân lực. Đây là một thực tế bất cập cho thấy, nhu cầu đào tạo ngày càng tách rời khỏi những nhu cầu cấp thiết của xã hội. Vấn đề này mới chỉ được nhìn nhận ở các trường công lập, còn trường dân lập khi đào tạo phụ thuộc thêm cả yếu tố kinh tế của riêng từng trường. Như thế là hoàn toàn tách rời sự phát triển của cơ chế thị trường hay các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến dư thừa cũng được chỉ ra chính là việc tuyên truyền hướng nghiệp chưa tốt. Ngay cả việc phân luồng cho học sinh học nghề cũng chỉ làm theo hình thức và đào tạo dư thừa là tất yếu. Một số ngành dù đủ nhu cầu, nhưng vẫn được nhắc đến quá nhiều khiến người dân có tâm lý chạy theo. Vị này cho rằng, quy hoạch về nguồn nhân lực dường như đang còn quá lạc hậu so với nhu cầu thực tế. Cần có những kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo cụ thể. Bản thân các ngành, địa phương cũng cần công bố công khai và rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng việc làm của đơn vị mình, “đặt hàng” với bộ GD&ĐT. Từ những “đặt hàng” này, Bộ sẽ phân chỉ tiêu đào tạo về các trường làm sao cho hợp lý. Bên cạnh đó là tích cực tuyên truyền về những ngành nghề một cách chuẩn xác để người dân có định hướng với chính con em mình, không để tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ”.
Ngành giáo dục có trách nhiệm
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nói không nên đổ lỗi cho ngành giáo dục chỉ đúng một nửa. Ngành giáo dục đào tạo ra nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đào tạo đại học và nghề nghiệp của chúng ta hiện nay không gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết con số mỗi ngành, mỗi địa phương mỗi năm cần bao nhiêu lao động ở trình độ cử nhân, công nhân lành nghề ở lĩnh vực này, lĩnh vực kia. “Nếu có quy hoạch tổng thể đó, các trường có căn cứ để xác định chỉ tiêu đào tạo thì tôi tin rằng, không có con số dư thừa lớn đến như vậy”, ĐB Thắng nói.
Rõ ràng, cử nhân thất nghiệp là do các trường đại học vẫn đào tạo theo những gì mà các trường có chứ không đào tạo theo nhu cầu xã hội cần. Công tác quản lý chưa dự báo được nhu cầu sử dụng. Có thầy cô khoa nào, ngành nào, có phòng thí nghiệm gì thì tuyển sinh đào tạo sinh viên theo ngành đó, miễn là tuyển sinh được. Thế nên, việc đào tạo vẫn chạy theo năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo mà không căn cứ nhu cầu thị trường sẽ dẫn đến bất cập. Thêm nữa, nhiều lúc các trường ồ ạt đào tạo những nhu cầu của xã hội cần mà không có quy hoạch cụ thể. Điều này dẫn đến tình trạng, khi đã đáp ứng đủ nhu cầu sẽ dư thừa. “Do vậy, cần thiết phải xem xét lại công tác quy hoạch nguồn nhân lực và quản lý của ngành giáo dục trong vấn đề định hướng chỉ tiêu cho các đơn vị đào tạo. Các trường cũng cần điều chỉnh đào tạo đúng với nhu cầu của xã hội. Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ngành giáo dục nhưng là ngành có trách nhiệm trong câu chuyện này. Ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc”, ĐB Thắng đưa quan điểm.
Cũng theo ĐB Thắng: “Tôi nghĩ phát biểu trên không phải bảo vệ ngành giáo dục hay sự ngụy biện nào, mà đó là vấn đề thực tế đặt ra. Chúng ta có một bài toán chung và đòi hỏi tất cả các ngành phải xây dựng quy hoạch nhân sự. Có yếu tố trách nhiệm của ngành giáo dục, nhưng một ngành giáo dục thì không giải quyết được vấn đề”. Cũng nhìn nhận vấn đề này, ĐB Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Vấn đề giải quyết việc làm có nhiều yếu tố, vì nó liên quan đến các vấn đề như: Chất lượng, nhu cầu của xã hội, sự phát triển kinh tế xã hội... Tôi nghĩ không hoàn toàn lỗi ở ngành giáo dục, nhưng nói về chất lượng giáo dục là người ta nghĩ ngay đến trách nhiệm của ngành giáo dục”.
Dương Thu