Bài 1: Xét nghiệm nước lã, vẫn có phiếu kết quả như... nước tiểu
(Sức khỏe Online) - Thời gian gần đây, đường dây nóng chuyên mục Sức khỏe Online của báo Đời sống & Pháp luật Online nhận được một số phản ánh của bạn đọc về tình trạng khám, chữa bệnh theo kiểu “lừa gạt, móc túi” diễn ra tại phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung (Hà Nội). Để xác minh, làm rõ những thông tin bạn đọc gửi về, PV đã đóng nhiều vai thâm nhập phòng khám này và tận mắt chứng kiến nhiều chuyện “lạ đời”…
Chỉ thích chữa bệnh “vùng kín”
Tuy mang danh là phòng khám đa khoa nhưng theo tìm hiểu, hầu hết bệnh nhân tìm đến phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung đều mang trong mình các căn bệnh “khó nói” như bệnh xã hội, bệnh nam giới, trục trặc về sinh lý hoặc ở phụ nữ là các căn bệnh phụ khoa mang tính “tế nhị”. Chính vì vậy, những khách hàng này thường mang tâm lý e dè, ngại phải đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công, nơi có đông người, lại phải chờ đợi mệt mỏi.
Phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung (Hà Nội). Ảnh K.C
Với tâm lý mang “bệnh kín” trong mình, muốn chữa khỏi càng nhanh càng tốt, nên nhiều người tin theo lời quảng cáo in trên tờ rơi, đăng trên mạng và tìm đến phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung. Bước chân vào đây, khách hàng sẽ được các nhân viên vồn vã chào đón, “nhiệt tình” tư vấn rất “sâu” về căn bệnh khó nói của mình.
Chiều 25/11, trong vai những người bệnh ngồi chờ vào khám ở một quán nước chè ngay gần cửa phòng khám 59 Khương Trung, khi PV hỏi thăm về phòng khám, bà chủ quán lắc đầu cho biết: “Thế đã vào khám chưa? Chắc bệnh xã hội hả? Các chú chui đầu vào đấy khám thì chỉ có “chết tiền”. Tôi nói thật, họ đánh vào tâm lý những người mắc bệnh như các chú, thường xấu hổ không dám nói với người thân mà chỉ dám kể bệnh với bác sỹ. Thế nên, dù có bị họ “quay tiền” thì thường cũng đành cắn răng mà chịu đựng…”.
Để xác minh tính xác thực của thông tin bạn đọc đã phản ánh “một khi đã đến đây thì không bệnh cũng thành có bệnh, bệnh ít sẽ hóa bệnh nhiều”, trước đó, PV đến khám tổng quát tại khoa Nam học (bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội). Tại đây, sau khi thực hiện các bước khám bệnh kỹ lưỡng, các bác sỹ đã kết luận PV không có triệu chứng hay gặp vấn đề gì về sức khỏe nam giới, không mắc các bệnh xã hội truyền nhiễm. Vững tâm về sức khỏe của mình, PV vào cuộc tiến hành thực tế…
Xét nghiệm kiểu “nhân bản”?
Có mặt tại phòng khám 59 Khương Trung vào lúc 15h ngày 27/11, PV L.Đ.A trong vai bệnh nhân được một người đàn ông mặc áo blouse không đeo bảng tên, tự giới thiệu là bác sỹ Minh đưa vào phòng khám bệnh. Hỏi bệnh qua loa, bác sỹ Minh đưa bệnh nhân vào phòng kín để lấy các mẫu dịch niệu đạo, dịch tiền liệt tuyến, rồi hướng dẫn PV vào nhà vệ sinh lấy mẫu nước tiểu để đem xét nghiệm.
Trước đó, do đã nhận được thông tin nghi ngờ rằng, nhiều bệnh nhân đến đây chỉ được xét nghiệm theo kiểu “cho vui”, PV cố tình không lấy mẫu nước tiểu thật, thay vào đó là một lượng nhỏ nước lã lấy từ… vòi rửa tay. Chờ đợi khoảng 15 phút, một nhân viên mang tập phiếu xét nghiệm mang tên L.Đ.A xuống trả, rồi hướng dẫn vào gặp bác sỹ Minh để khám tiếp. Xem ba tờ kết quả xét nghiệm cầm trên tay, PV vô cùng bất ngờ khi chúng đều… như thật! Nghĩa là với “đầu vào” là… nước lã, ở “đầu ra”, những cỗ máy xét nghiệm tối tân (như quảng cáo của phòng khám) vẫn in ra các kết quả mang giá trị tương đương như với một mẫu nước tiểu thông thường. Ở các mục trên phiếu, vẫn thể hiện đầy đủ các giá trị PH (ở mức 7.0), Glu (âm tính), Acid ascobic (âm tính)…
Mặc dù PV lấy mẫu nước lã từ vòi rửa tay nhưng phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung vẫn cho kết quả như các mẫu nước tiểu của bệnh nhân khác. Ảnh: L.Đ.A
So sánh các phiếu xét nghiệm (nước lã) của PV L.Đ.A vào ngày 27/11 và các phiếu xét nghiệm (nước tiểu thật) của một bệnh nhân khác đã tới khám vào ngày 25/11, chúng tôi rất bất ngờ khi tất cả các mục kết quả đều giống nhau đến mức… khó tin. Từ các dấu cộng trừ, trị số, đến các kết luận như “âm tính”, “ít gặp”…, tất cả đều giống nhau như được photocopy. Để phân biệt phiếu nào của ai, có lẽ phải nhìn vào phần “họ và tên”.
Tiếp tục kiểm chứng qua hồ sơ bệnh án của một bệnh nhân thứ ba đến khám cùng ngày 27/11, đem so sánh, chúng tôi nhận thấy các kết quả thể hiện trên phiếu xét nghiệm vẫn giống nhau y hệt. Phải chăng, tất cả được “nhân bản” hàng loạt từ một bản gốc và phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung cho “ra lò” những tờ phiếu xét nghiệm dởm này là để… tiết kiệm chi phí? Hay là do kết quả xét nghiệm dù có thế nào cũng chẳng quan trọng, vì các bác sỹ ở đây đã có sẵn một “nguyên tắc nghề nghiệp” bất di bất dịch, đó là “nhìn mặt, vẽ bệnh”?