Là một vùng kinh tế nông nghiệp trong điểm với lợi thế lúa gạo, thủy hải sản nuôi, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với địa hình trũng thấp, nhiều kênh rạch đan xen đã tạo ra một hệ động thực vật vô cùng phong phú với một môi trường sống trong lành hiếm thấy.
Tuy nhiên, cùng với xu thế chung của toàn cầu, hiện nay, khu vực rộng lớn này đang đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là sự biến đổi thất thường của khí hậu và những tác động tiêu cực mà nó gây ra. Có thể nói, việc khẩn trương bắt tay vào ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đang là nhiệm vụ cấp bách để duy trì sự phát triển bền vững trong khu vực này, ngay từ bây giờ.
Thách thức từ nguồn nước
Theo các chuyên gia nghiên cứu về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là rất to lớn. Theo đó, khu vực châu thổ rộng lớn này ở nước ta là nơi dễ bị tổn thương nhất trước những tác động tiêu cực của môi trường. Từ việc nóng lên của bề mặt trái đất hay nước biển dâng cao, sự xâm thực mặn hay thậm chí là cả biến động về lưu lượng nước ở phía thượng nguồn sông Mê Kông cũng gây ra những hậu quả khôn lường cho môi trường và hàng chục triệu dân cư sinh sống trong vùng. Có thể nói, việc thời tiết khí hậu ngày càng biến đổi bất thường khiến cho người dân nơi đây luôn cảm thấy bất an và khó khăn.
Cụ thể hơn, những vấn đề liên quan đến nguồn nước, một thứ tài nguyên thiên nhiên tưởng chừng như vô hạn và quan trọng bậc nhất ở khu vực này hiện cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những hiện tượng như hạn hán, thiếu nước, lũ trái mùa, triều cường... đang ngày càng gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long và có xu hướng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Vì vậy, việc xác định tầm quan trọng, sự cần thiết và đổi mới phương thức quản lý nguồn nước chính là đảm bảo sự phát triển hài hòa, cân bằng ở vùng vựa lúa này.
Theo những nghiên cứu gần đây về tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, tác động của biến đổi khí hậu đến dòng chảy trong sông đang diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông khác nhau tùy theo lưu vực. Biến đổi khí hậu làm thay đổi diễn biến mưa và dòng chảy trong các sông gây ra lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ, đặc biệt là ở những khu vực sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, Hàm Luông…là hết sức quan trọng và cấp bách. Ngoài ra, việc xây dựng hành lang bảo vệ trước sự xâm thực của nước biển bằng hệ thống kè, đập ngăn mặn và những khu rừng phòng hộ ven biển cũng là hết sức quan trọng và cần thiết. Có thể nói, việc làm tốt những công tác quy hoạch này sẽ giúp chúng ta chủ động quản lý tốt nguồn nước, có đủ sức ứng phó với những thay đổi tiêu cực mà môi trường gây lên. Nó giúp cho những mùa màng, sản xuất và công tác nuôi trồng của hàng ngàn hộ dân luôn ở trong tình trạng chủ động.
Ngoài ra, việc này còn giúp cho việc quản lý nguồn nước sinh hoạt ngày một trong sạch và tốt hơn. Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn miền Nam cho biết, việc cung cấp nước sạch an toàn cho người dân chỉ đạt 60 - 65\% ở khu vực đô thị và đối với người dân ở nông thôn. Nước sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn chủ yếu là nước sông, nước ngầm và nước mưa. Việc cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt đang gặp phải hai vấn đề khó khăn lớn, đó là tình trạng nhiễm mặn và nhiễm phèn nghiêm trọng. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nước cho hàng chục triệu cư dân trong vùng là một việc làm hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là duy trì sự ổn định, phát triển bền vững trong khu vực mà đây còn là một vùng quy hoạch trồng lúa trọng điểm của cả nước. Về lâu dài, ngoài việc xuất khẩu, khu vực này cần phải đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực sử dụng cho cả nước. Vì vậy, vấn đề đảm bao an ninh lương thực quốc gia cũng vô cùng quan trọng, có liên hệ tới hàng trăm triệu dân trong tương lai. Cụ thể, theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long vừa được Chính phủ quy hoạch là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước với nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Từ nay đến năm 2030, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ổn định diện tích trồng lúa 1,8 triệu ha, trong đó có 1 triệu ha lúa xuất khẩu; sản xuất theo cơ cấu một vụ lúa Đông Xuân, một vụ Hè Thu, một vụ Thu Đông hoặc lúa mùa hàng năm và được quay vòng 2-3 lần để có diện tích trồng lúa hơn 4 triệu lượt ha. Từ nay đến năm 2020, toàn vùng ổn định sản lượng mỗi năm từ 24-25 triệu tấn lúa, từ năm 2020-2030 ổn định 24 triệu tấn lúa. Bên cạnh đó, các tỉnh ven biển sẽ đưa thêm 80.000 ha lúa mùa một vụ vào nuôi thêm một vụ thủy sản theo mô hình lúa tôm, lúa cá, nâng diện tích thực hiện theo mô hình này lên 200.000 ha. Mặt khác, với diện tích đất trồng từ 2-3 vụ lúa, các tỉnh chuyển trên 110.000ha sang trồng các loại cây cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước, nhằm thay thế nguyên liệu nhập khẩu, như ngô, đậu nành…
Và những giải pháp kịp thời
Có thể nói, trước những thách thức và nhiệm vụ quan trọng như đã nói ở trên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cần phải gấp rút thực hiện động bộ nhiều biện pháp để có thể duy trì sự phát triển bền vững, chủ động ứng phó, thích nghi với những tình huống xấu nhất mà những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, những giải pháp cụ thể cần phải làm ngay và duy trì thực hiện trong thời gian tới gồm có: Đầu tiên là phát huy cao nhất, tiềm năng, lợi thế so sánh của các địa phương trong vùng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu gắn với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực có lợi thế so sánh; phát triển các mô hình chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu; hình thành mạng lưới tín dụng đa dạng, linh hoạt… Kế đến, khu vực này cần phải phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái gắn với đồng ruộng, miệt vườn, sông nước và biển đảo. Về việc này, trong thời gian qua, hàng ngàn tuyến dân cư vượt lũ được đầu tư xây dựng ở khắp các tỉnh trong khu vực đã góp phần tích cực giúp người dân thích nghi, sống tốt hơn khi mùa nước lũ về. Những tuyến dân cư vượt lũ này được cho là mô hình khá tốt để người dân có thể an tâm sản xuất trước những biến động bất thường của thời tiết và khí hậu. Hi vọng, thời gian sắp tới, những khu dân cư tạm bợ sẽ dần được thay thế bằng các tuyến dân cư vượt lũ như hiện nay.
Ngoài ra, việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa các đồng bào dân tộc trong vùng. Theo đó, phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế-xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; có các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực. Cuối cùng, việc tiếp cận tổng thể mang tính chất liên vùng và liên ngành trong phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ theo chiều ngang giữa các địa phương và theo chiều dọc giữa các cơ quan Trung ương và địa phương để những giải pháp được thực hiện một cách đồng bộ cũng chính là yếu tố cần thiết của con người ứng phó trước thiên nhiên.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thong tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
Liên hệ: Viện Nghiên Cứu Môi Trường và Các Vấn Đề Xã Hội\_Phân Viện Phía Nam
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
Đoàn Đại Trí
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dong-bang-song-cuu-long-khan-truong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-a55689.html