Là một nước nông nghiệp trọng điểm với hàng trăm ngàn hec-ta lúa cùng các loại cây trồng khác nên mỗi năm, nông dân cả nước đã sử dụng hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại để bảo vệ thành quả mùa màng.
Hệ quả là, rất nhiều nơi môi trường nước, môi trường đất, hệ sinh thái cùng các loài thủy sinh vật bị hủy diệt vì lượng thuốc bảo vệ thực vật này. Hơn nữa, việc lạm dụng quá vào thuốc bảo vệ thực vật còn gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng nông sản cũng như cuộc sống của chính người nông dân.
Bảo vệ cây, giết hại con vật
Theo tìm hiểu, thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất hóa học, hiện nay thường được chế xuất từ các hợp chất hóa học khác, là một loại thuốc độc dùng để tiêu diệt những loài sâu bệnh, sinh vật có hại với cây trồng. Vì thế, nếu không sử dụng đúng liều lượng, nồng độ, những chất độc trong thuốc hoàn toàn có thể giết hại những sinh vật khác không phải là sinh vật gây bệnh. Ngoài ra, môi trường mà thuốc bảo vệ thực vật lan truyền ra ngoài thường là môi trường mở, ở những cánh đồng hay ruộng cây ăn trái nên vì thế nó dễ dàng xâm nhập vào môi trường khác như nước, đất, không khí… gây hại xung quanh. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam với hơn 70\% dân số đang chuyển mạnh sang cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn, trong đó trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nghĩa là, thay vì sản xuất nhỏ lẻ manh mún, người dân đã chuyển dần qua cơ giới hóa và sử dụng những sản phẩm của công nghiệp để phục vụ nông nghiệp. Thế là, từ phân bón cho tới thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản… đều được đưa vào ngành nông nghiệp. Thế nhưng, tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật lại chưa được quản lý một cách chặt chẽ mà chủ yếu là tự phát, rất tràn lan, thiếu kiểm soát. Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng từ 35.000 đến hơn 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật.
Bên cạnh lượng hóa chất khổng lồ được sử dụng như thống kê ở trên thì ngay cả lượng bao bì, vỏ đựng những loại hóa chất này cũng có khối lượng khổng lồ, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường bởi chúng đa phần là những loại vật liệu không tự phân hủy, gây hại đến xung quanh. Cụ thể, chỉ tính riêng lượng phân bón hóa học sử dụng bình quân 80 kg đến 90 kg/ha, riêng cho lúa là từ 150 kg đến 180 kg/ha, đã làm phát sinh thêm nhiều loại bao bì, túi đựng. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng là vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm thì sẽ thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại là bao bì, vỏ hộp thuốc các loại.
Thế nhưng, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ở hầu hết các loại cây trồng của người nông dân mới thực sự là hồi chuông báo động đến với toàn thể cộng đồng xã hội. Theo đó, nếu trước đây, thuốc chủ yếu sử dụng cho cây lúa thì ngày nay còn được sử dụng phổ biến trên cây rau và nhiều loại cây trồng khác. Chưa có bất kỳ nghiên cứu và khuyến cáo nào dành cho nông dân khi sử dụng những loại hóa chất này lên rau màu, thứ thực phẩm tiêu dùng được người dân sử dụng trực tiếp nhưng với diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 80\% nên lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động nông nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, việc xử lý vỏ bao bì chưa được cơ quan quản lý, chính quyền, nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh và nông dân quan tâm xử lý. Do đó, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến vấn đề ô nhiễm chất thải do thuốc bảo vệ thực vật và về lâu dài sẽ tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người
Nhiều giải pháp khó khăn
Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng về môi trường Việt Nam, hàng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất do thuốc bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại các bệnh viện và trên 300 trường hợp tử vong. Có thể nói, đây là một con số thực sự báo động và nó đã chỉ ra rằng, thuốc bảo vệ thực vật không chỉ gây hại đến môi trường nước, đất, hệ sinh thái… mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, theo chiều hướng ngày càng tiêu cực hơn. Điều này diễn ra đang có xu hướng ngày càng tăng bởi thuốc bảo vệ thực vật hiện nay gần như được sử dụng ở tất cả các loại cây trồng, nhất là rau củ quả, hàng hóa mà người tiêu dùng đang sử dụng trực tiếp. Vì vậy, những giải pháp an toàn và hạn chế hoặc có hướng đi bền vững là điều cần thiết mà ngành nông nghiệp cần có những quyết sách đúng đắn.
Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là hiện nay, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn lỏng lẻo, thị trường tràn lan những loại thuốc độc hại cấm sử dụng, thuốc quá đát... mà chỉ có một số ít nông dân có ý thức được việc vứt bỏ chai, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước nên đã đem đi chôn, còn đa số bà con vẫn có thói quen quăng ngay tại ruộng vườn. Đó chính là nguyên nhân quan trọng khiến thuốc bảo vệ thực vật trở thành mối đe dọa thực sự với môi trường sống và an toàn xã hội. Hơn nữa, không chỉ ở đồng bằng, nhiều khu vực miền núi, tình trạng ném bỏ vỏ chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật xuống mương nước khá phổ biến. Tình trạng này cho thấy người nông dân chưa lường đến tính độc hại của bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực đối với môi trường và sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm hoang hóa tài nguyên đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người chính từ đây.
Bên cạnh đó, việc xử lý, khắc phục hậu quả của thuốc bảo vệ thực vật gây ra cũng chưa được nhiều nơi quan tâm đúng mức. Cụ thể, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã khắc phục tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng bằng cách xây dựng các bể thu gom rác thải nhưng nơi để rác bảo vệ thực vật ở đó cũng còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương sử dụng bể chứa rác có đáy và mái che, sau đó tổ chức thu gom rác theo định kỳ để chuyển đến đơn vị có thẩm quyền tiêu hủy. Nhưng nhiều nơi, do không có kinh phí nên bể chứa rác không đạt tiêu chuẩn, do vậy rác thải vẫn gây ô nhiễm ra bên ngoài. Trong thời gian tới, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong quy hoạch chiến lược và ban hành các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn nông thôn. Dựa vào những nghiên cứu cụ thể về đặc trưng chất thải rắn ở từng địa phương, để chọn lựa phương pháp xử lý chất thải rắn phù hợp nhằm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần có những biện pháp tuyên truyền, phổ biến, vận động nông dân tham gia thu gom và phải có nguồn kinh phí để thực hiện việc tiêu hủy chất thải này. Đồng thời, các đơn vị sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện trách nhiệm đối với sản phẩm của mình và nghiêm chính chấp hành những quy định của Nhà nước và pháp luật về lĩnh vực này.
Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng những trung tâm xử lý chất thải cũng như cảnh báo về các chất thải của thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế, việc người dân chỉ thu gom các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật để bán ve chai chưa phải là giải pháp cụ thể và nó còn mang tính manh mún, không phải là giải pháp tối ưu nhất. Cái quan trọng nhất ở đây là phải làm cho người dân ý thức được những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật là độc hại và hậu quả của nó đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ để mọi người cùng chung tay giải quyết.
Đoàn Đại Trí
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
EMAIL: [email protected]