Biến rác thải nhựa thành nghệ thuật
Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ngọc Trúc Phương (quê Tiền Giang) lại lựa chọn chai nhựa làm chất liệu tạo ra những bức tranh đầy màu sắc của mình. Trong một lần “lướt mạng”, cô gái quê Tiền Giang thích thú và tò mò khi thấy người ta vẽ trên những vỏ chai nhựa. Vốn có khiếu vẽ vời, nhà thì nhiều chai nhựa “chưa kịp bán phế liệu” nên Trúc Phương thử mày mò làm theo.
Vì “tự thân vận động” nên những cái chai đầu tiên được Trúc Phương đưa ra làm “chuột bạch” cứ thế đi vào thùng rác vì sai vì hỏng. Sau nhiều lần vẽ đi vẽ lại và rút kinh nghiệm, từ những tác phẩm “tàm tạm”, Trúc Phương đã cho ra đời những bức tranh khá bắt mắt.
Chia sẻ về ý tưởng độc đáo của mình, Trúc Phương chia sẻ: “Vẽ trên giấy, trên tường, trên đá… tôi đã thấy nhiều, nhưng vẽ trên chai nhựa là hình thức chưa được nhiều người biết đến. Ban đầu tôi chỉ vẽ cho vui vì thấy lạ, nhưng càng vẽ càng thấy mê. Hơn nữa, chai nhựa không khó tìm, chi phí lại không đắt đỏ nên tôi coi đây như một hình thức giải trí của mình mỗi khi căng thẳng”.
Tất nhiên, lạ sẽ đi kèm với khó. Để có được một bức tranh như ý, với Trúc Phương là cả một quá trình. Nhựa dễ bám màu nhưng cũng dễ bị vón cục. Chính vì vậy, việc xử lý những chỗ bị vón cục, bám màu cũng khiến người vẽ rất dễ stress.
“Việc lựa chọn chai nhựa để vẽ thì không khó. Nhưng cái khó của người vẽ đó là phải rất kiên nhẫn và tỉ mỉ. So với việc vẽ trên giấy hay vẽ trên tường thì vẽ trên chai nhựa cũng không khác là bao vì nhựa vẫn cần phải làm phẳng trước khi vẽ. Tuy nhiên, khi đưa cọ không đều, màu sơn rất dễ bị vón cục, nhiều khi không thể xóa hoặc không thể vẽ chồng màu lên nhau. Vì thế, người vẽ cần rất cẩn thận nếu không muốn trở thành công cốc” – Trúc Phương nói về những điểm khó khi vẽ tranh trên chai nhựa.
Tận dụng và sống xanh
Theo Trúc Phương, vẽ tranh trên chai nhựa chỉ là vẽ trên một phần của chai. Cô sẽ sử dụng phần giữa của chai để vẽ vì phần này rộng nhất, dễ làm phẳng nhất. Thế nhưng, trong suy nghĩ của gái trẻ, nếu chỉ dùng phần giữa của chai thì phần cổ chai, nắp chai hay đáy chai bỏ đi sẽ rất lãng phí và không thể tái chế. Cô gái quê Tiền Giang quyết định tận dụng cả hai phần này để làm khung và đễ giữ cho bức tranh. Theo cô, đây cũng là một hình thức sống xanh của bản thân mình.
“Bình thường, tôi chỉ sử dụng phần giữa của chai để vẽ. Phần đáy và cổ chai ban đầu tôi cho vào thùng rác. Thế nhưng, những phần bỏ đi đó khá vụn và khó có thể phân loại mang đi tái chế, như thế thì chính mình cũng đang xả rác. Vì vậy tôi nghĩ ra cách tận dụng luôn hai phần đó. Tôi sáng tạo chúng thành giá đỡ cho bức tranh để bức tranh không bị trống trải. Như thế mang đi tặng cũng không bị người ta cười” – Trúc Phương hài hước chia sẻ.
Cô nói thêm: “Tôi vẽ tranh để giải trí, nhưng tôi cũng là một người sống theo lối sống xanh. Chúng ta đã qua rồi kỷ nguyên “ăn no mặc ấm” hay “ăn ngon mặc đẹp”. Chính vì thế, quan niệm của tôi là hạn chế dùng đồ nhựa và tận dụng tối đa chúng khi có thể”.
Cô gái trẻ quê Tiền Giang cũng khẳng định, giá trị cốt lõi của lối sống xanh là sống lành mạnh mang lại những giá trị bền vững. Đôi khi không cần phải làm những điều quá lớn lao mà đơn giản chỉ là bớt sử dụng các đồ vật nhựa, ưu tiên sử dụng những thứ có thể tái chế để đem lại lợi ích cho sức khỏe, thiên nhiên, môi trường.
Hương Nguyễn