Trong lúc sửa mái tôn, Phong phát hiện nhà chị Châu đi vắng, cửa ra vào lầu một không khóa nên đột nhập vào nhà trộm nhiều nữ trang bằng vàng, kim cương.
Báo Thanh Niên đăng tải thông tin, sau nhiều lần mở phiên tòa và tạm dừng phiên xử, sáng 13/6, TAND TP. Hồ Chí Minh mở lại phiên toà phúc thẩm vụ án Trộm cắp tài sản đối với bị cáo Huỳnh Thanh Phong (26 tuổi, quê An Giang).
Theo đó, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Bị cáo Phong tại phiên toà - Ảnh: báo Trí thức trẻ |
Báo Tri thức trực tuyến dẫn cáo trạng của TAND TP. Hồ Chí Minh, tối 27/7/2016, khi đi du lịch về, chị Châu phát hiện phòng ngủ của gia đình bị đột nhập. Kẻ trộm đã đánh cắp 3 chiếc nhẫn, vòng vàng, dây chuyền đính kim cương cùng 4,5 triệu đồng. Phòng con gái chị cũng bị trộm lục tung, lấy mất đồng hồ hàng hiệu và 500.000 đồng.
Mẹ chị Châu cho biết 3 hôm trước đó đã thuê Phong đến sửa mái tôn bị dột. Tại cơ quan điều tra, Phong thừa nhận lúc sửa mái tôn đã thấy nhà chị Châu đi vắng, cửa ra vào lầu một không khóa nên nảy sinh ý định trộm cắp.
Sau khi đánh cắp tài sản của chị Châu, Phong mang một phần đi bán cho tiệm vàng gần nhà được 19 triệu đồng mà không biết giá trị thực tế lên đến hơn 150 triệu.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Phong bị TAND quận Bình Tân tuyên 5 năm tù về tội Trộm cắp tài sản, buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân.
Cho rằng cơ quan điều tra bỏ lọt tội phạm, nạn nhân của vụ án đã làm đơn kháng cáo, đòi tiệm vàng mua nữ trang của bị cáo phải bồi thường.
Cơ quan chức năng xác định tiệm vàng Kim Chi đang quản lý số tài sản mà chị Châu đã mất cắp. Tuy nhiên cấp sơ thẩm không buộc tiệm vàng trả lại số vàng này cho bị hại là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Xét thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND quận Bình Tân để điều tra lại.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009) 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)