+Aa-
    Zalo

    Nguồn dầu của Nga quan trọng thế nào và giá tăng tới đâu sau khủng hoảng Ukraine?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một lệnh cấm vận của phương Tây đối với dầu và khí đốt từ Nga không còn là điều không tưởng sau khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiết lộ rằng ý tưởng này đang được Nhà Trắng quan tâm và là chủ đề thảo luận giữa Mỹ cùng các đồng minh.

    Theo tiết lộ mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Nhà Trắng đang quan tâm tới việc đưa ra một lệnh cấm vận đối với đầu và khí đốt từ Nga. Đây được xem là một phản ứng "kịch tính" khi giá dầu thô Brent đang ở mức chưa từng thấy kể từ năm 2008. Trong khi đó, giá khí đốt cũng tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

    Theo The Guardian, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phản đối ý tưởng cấm vận này. Nguyên nhân được cho là bởi Đức vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu khí từ Nga. Ông Scholz nhận xét: "Việc cung cấp năng lượng cho châu Âu để phát nhiệt, di chuyển, cung cấp điện và công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất kỳ cách nào khác vào thời điểm hiện tại".

    Dầu khí của Nga quan trọng như thế nào?

    Được biết, 40% lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu đến từ Nga, sự phụ thuộc này thậm chí còn tăng lên trong những tháng mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên, ngay cả khi thời tiết ấm lên và nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm giảm đu, bức tranh cũng vẫn không thay đổi đối với nguồn dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác. Mỗi ngày, khoảng 5 triệu thùng dầu đã được vận chuyển từ Nga, nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia. 

    screen shot 2022 03 08 at 161448
    Nhà máy lọc dầu ở Gelsenkirchen, Đức. Ảnh: AP 

    Khoảng một nửa lượng dầu được sử dụng để xuất sang Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia phụ thuộc vào Nga với 27% kim ngạch nhập khẩu và khoảng 15% tổng tiêu dùng. Vương quốc Anh ít phụ thuộc hơn, nhập khẩu 4,7 triệu tấn dầu của Nga vào năm 2021, tương đương với dưới 100.000 thùng/ngày, tức là chưa đến 10% lượng tiêu thụ.

    Tuy nhiên, cũng như khí đốt, Vương quốc Anh không tránh khỏi tác động của giá cả thị trường toàn cầu đối với hàng hóa, vốn sẽ dẫn đến chi phí cao hơn nhiều đối với người dân bình thường.

    Liệu nguồn dầu của Nga có thể thay thế?

    Bài toán về nguồn khí đốt vốn là một câu hỏi hóc búa, liên quan đến sự kết hợp giữa tăng sản lượng từ nơi khác, giảm nhu cầu, mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đẩy mạnh năng lượng tái tạo cũng như hạt nhân.

    Ông Ole Hansen đến từ Saxo Bank nhận định: "Một sự gián đoạn nguồn cung trên quy mô lớn như vậy không thể đáp ứng được đối với các nhà sản xuất khác, ít nhất là trong tương lai gần".

    Một phương án đang được đưa ra thảo luận để giải quyết bài toán về nguồn cung khí đốt là việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela. Bà Sophie Udubasceanu, chuyên gia dầu thô toàn cầu tại ICIS, cho biết: "Iran có thể cung cấp khoảng 1,3 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường".

    Nhưng bà cảnh báo rằng nguồn cung dầu của Venezuela sẽ không ổn định và còn phụ thuộc vào cách nước giải quyết các vấn đề đầu ra, vốn đã tồn tại từ lâu.

    Ngoài ra, nguồn dầu dự trữ riêng của Mỹ cũng có thể mang lại một số hy vọng. Mỹ đã quyết định xả 3,45 triệu thùng/ngày vào tháng 12 năm ngoái và con số này có thể tăng lên. Dù vậy, việc này không thể diễn ra một các hnhanh chóng.

    Ông Hansen phân tích: "Việc nâng cao sản lượng từ các nhà sản xuất này sẽ mất vài tháng đối với Iran, hàng quý đối với Mỹ và nhiều năm đối với Venezuela". 

    Một con đường khác có thể giúp giải quyết vấn đề là thuyết phục Opec, tập đoàn sản xuất dầu mỏ của các nước như Saudi Arabia, tăng thêm lượng dầu xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ trong tuần trước, khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, Opec đã bị mắc kẹt với mức dầu xuất khẩu ít ỏi 400.000 thùng/ngày.

    Giá dầu có thể tăng cao đến mức nào?

    Việc giá dầu tăng phụ thuộc vào thực tế địa chính trị. Mức dầu cao nhất mọi thời đại là khoảng 147,50 USD/thùng, được thiết lập vào tháng 7/2008. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, giá dầu hiện tại thậm chí có thể tăng cao hơn mức đó. 

    Nhà phân tích hàng hóa của UBS, Giovanni Staunovo, cho biết một cuộc chiến dịch quân sự kéo dài có thể khiến giá giá dầu vượt mức kỷ lục, lên tới 150 USD hoặc có thể cao hơn. Các nhà phân tích tại Bank of America nói rằng nếu hầu hết lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, điều đó sẽ dẫn đến sự thiếu hụt 5 triệu thùng/ngày và đẩy giá dầu lên cao tới 200 USD.

    Sự gia tăng đáng kể chi phí của mọi thứ, từ xăng dầu tại các trạm bơm đến bất kỳ hàng hóa nào được vận chuyển bằng đường bộ, sẽ khiến lạm phát tăng cao "ngất trời" và dẫn tới một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

    Theo The Guardian, phương pháp chữa trị tốt nhất cho một cái giá cao là một cái giá cao hơn. Có nghĩa là nếu giá dầu quá đắt đến mức mọi người không thể mua được, họ sẽ ngừng mua và giá cả lại giảm xuống. Tuy nhiên, điều đó có thể dẫn đến các biện pháp như ngừng hoạt động công nghiệp, gây ra sự suy thoái đáng kể trong hoạt động kinh tế.

    Năng lượng tái tạo và vật liệu cách nhiệt?

    Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững, không chỉ để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

    Jim Watson, một giáo sư về chính sách năng lượng và là giám đốc của Viện Tài nguyên Bền vững UCL, nhận xét: "Chúng ta rất cần có một chương trình mới để nâng cấp và cách nhiệt cho ngôi nhà chung là trái đất sau một thập kỷ không có hành động và các chính sách lỏng lẻo. Chính phủ Vương quốc Anh cũng nên giữ chân công ty năng lượng tái tạo và tiếp tục mở rộng đầu tư vào các nguồn điện chi phí thấp như năng lượng mặt trời và gió". 

    Mặc dù cách tiếp cận này sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga nhưng sẽ mất một vài năm mới có kết quả, hoặc thậm chí có thể lâu hơn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt và dầu mới. Đây vốn không phải một câu hỏi dễ dàng có câu trả lời.

    Minh Hạnh (Theo The Guardian)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguon-dau-cua-nga-quan-trong-the-nao-va-gia-tang-toi-dau-sau-khung-hoang-ukraine-a530476.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan