(ĐSPL) – Trong khi Bộ Y tế khẳng định dịch sởi không có diễn biến gì bất thường, thì các bác sĩ trực tiếp điều trị sởi cho rằng, bệnh sởi năm nay có diễn biến rất lạ.
Gần đây, dư luận đau xót và hoang mang tột độ khi có hàng trăm đứa trẻ tử vong do một căn bệnh vốn lành tính mang tên sởi.
Ngay sau khi Bộ Y tế cho rằng, dịch sởi đã “hạ nhiệt”, diễn biến không có gì bất thường, và Hà Nội cơ bản đã khống chế được dịch, thì tại một cuộc hội nghị về chuyên môn, với sự tham gia của hàng trăm bệnh viện, các bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân sởi lại nhận định rằng, bệnh sởi năm nay có diễn biến rất lạ.
Theo đó, PGS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng, năm nay có một điều rất lạ là virut sởi tấn công thẳng vào phổi, gây viêm phổi, suy hô hấp. Trong khi đó, theo thông thường thì phải sau khi sởi phát ban, trẻ mới bị các biến chứng viêm phổi. Bác sĩ Dũng cũng cho biết, cả 4 ca mắc sởi với bệnh trạng tương tự như vậy đều tử vong trong vòng 3-4 ngày đầu của bệnh.
|
Một người mẹ đang cầu xin trời đất hãy cứu con tại nhà Tâm linh trong khuôn viên Viện Nhi Trung ương. Ảnh: Facebook nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
|
Thêm một băn khoăn không nhỏ đối với các bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân sởi, là không hiểu vì sao mà có những trẻ mắc sởi nặng phải hỗ trợ thở máy, sau đó cai được máy thở khiến mọi người thở phào nhẹ nhõm, tưởng rằng đã qua khỏi, nhưng ngay sau đó, trẻ lại tiếp tục phải thở máy và bị tử vong.
Lý giải về những nguyên nhân khiến cho bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho rằng: "Có hai nguyên nhân khiến bệnh của trẻ nặng lên là do cơ địa và bản thân con virus. Nhiều trẻ đã khám tổng thể không có bất cứ bệnh nền nào nhưng điều trị sởi rất dai dẳng, thậm chí tử vong. Điều này rất cần các nhà chuyên môn nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn”.
Nhiều bác sĩ cũng đưa ra nhận định rằng, dịch sởi lần này có xu hướng phức tạp. Thời gian ủ bệnh nhiều ca có xu hướng lâu hơn nhưng thời gian phát bệnh lại nhanh và mạnh hơn bất thường.
Hiện tượng này có thể là do quá trình tiêm ngừa các loại vắc-xin đã tạo ra các kháng thể có lợi, làm kìm hãm tác động của virus sởi giai đoạn đầu. Nhưng với những trẻ thể trạng yếu hoặc có cơ địa bất lợi, hay sẵn có bệnh khác… thì khi virus trong thời gian ủ bệnh đã tự tạo ra khả năng kháng thuốc và mạnh hơn. Do đó khi sởi phát ra thì rất nhanh khiến khó nhận ra giai đoạn của bệnhtheo quy luật thông thường.
|
Nhiều bác sĩ nhận định, dịch sởi năm nay có diễn biến lạ và bất thường. |
Trong một diễn biến khác, Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. HCM và các bệnh viện phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu về dịch sởi năm nay. Trong đó một nội dung quan trọng được đề cập là cân nhắc lịch tiêm chủng. Tiêm cho trẻ dưới 9 tháng là một sự thay đổi rất lớn, có thể phải tiêm nhiều mũi hơn. Quan trọng là phải quyết định đúng đắn.
Hôm qua (22/4) trong cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, trong 3 ngày gần đây, số lượng bênh nhân nhập viện tại các bệnh viện Trung ương, và bệnh viện Hà Nội có chiều hướng giảm.
Số ca phát ban nghi sởi những ngày gần đây chững lại. Còn vấn đề liên quan đến việc chưa công bố dịch sởi, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Không công bố không có nghĩa là không có dịch. Việc công bố hay không chỉ là thủ tục hành chính. Sở Y tế Hà Nội không nói là không có dịch sởi”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dien-bien-la-virus-soi-tan-cong-thang-vao-phoi-nguoi-nhiem-benh-a30430.html