+Aa-
    Zalo

    Điểm mặt 8 trạm thu phí BOT bất hợp lý tương tự BOT Cai Lậy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, cả nước có 8 trạm BOT đặt vị trí bất hợp lý tương tự BOT Cai Lậy - Tiền Giang.

    Hiện tại, trên cả nước có 8 trạm BOT đặt vị trí bất hợp lý tương tự BOT Cai Lậy - Tiền Giang.

    Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, cả nước có 8 trạm BOT đặt vị trí bất hợp lý tương tự BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Các trạng này được đặt trên đường hiện có nhưng thu cho tuyến tránh. Các trạm thu phí này chủ yếu là do lịch sử đề lại. Trước đây là trạm thu cho ngân sách nhà nước khi xây dựng các tuyến tránh và để tiết kiệm chi phí đã giữ lại để hoàn vốn cho cho tuyến tránh.

    Dưới đây là danh sách 8 trạm thu phí BOT có vị trí bất hợp lý trên cả nước: 

    1. Trạm thu phí Tào Xuyên, Thanh Hóa

    Từ 10/8/2017, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tạm dừng thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Tào Xuyên tại Km286+397 quốc lộ 1A Dự án BOT xây dựng quốc lộ 1A đoạn tránh TP.Thanh Hóa.

    Lý do là sau khi quyết toán, dự án này có tổng vốn đầu tư giảm, lưu lượng phương tiện thực tế qua trạm thu phí lại tăng cao hơn so với dự kiến tại hợp đồng. Do đó, chỉ sau 7 năm thu phí, trạm BOT này đã có lãi.

    Trạm thu phí Tào Xuyên bị người dân phản đối vì có mức phí đường bộ đắt gấp 1,5-2 lần các trạm BOT khác. Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại buýt vận tải khách công cộng nộp 20.000 đồng một lượt; xe 12 - 30 ghế ngồi, xe tải 2 - 4 tấn nộp 30.000 đồng một lượt, xe tải trọng 10 - 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet nộp 80.000 đồng một lượt. 

    Cuối năm 2012, nhiều doanh nghiệp vận tải phản ứng do phương tiện giao thông không đi vào đường tránh Thanh Hóa nhưng vẫn phải trả tiền phí khiến Bộ Giao thông Vận tải buộc di chuyển trạm thu phí này từ phường Tào Xuyên, TP Thanh Hoá sang vị trí mới ở thị xã Bỉm Sơn. Tại vị trí mới, có nhiều phương tiện vận tải đi qua hơn nên doanh nghiệp nhanh chóng thu hồi vốn, sớm hơn nhiều so với kế hoạch.

    2. Hai trạm thu phí BOT Quốc lộ 5

    Quốc lộ 5 có chiều dài hơn 100 km, được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6/1996 bằng nguồn ngân sách nhà nước. Trên tuyến hiện có hai trạm thu phí (một trạm đặt ở địa phận tỉnh Hưng Yên và một trạm đặt ở Hải Phòng, đảm bảo khoảng cách 70km/trạm).

    Trước khi có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các phương tiện đi trên QL5 vẫn phải nộp phí, với mức 10.000 đồng/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn. Nhưng nay, mức phí này tăng gấp nhiều lần và dao động từ 40.000 - 180.000 đồng/lượt (tùy loại xe).

    Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, việc đặt trạm thu phí số 1 tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên là không phù hợp. Các lái xe đi từ Hà Nội hướng Hải Phòng đến gần trạm thường rẽ vào đường huyện Văn Giang rồi đi ra Phố Nối; xe từ Hải Phòng đi Hà Nội rẽ vào đường Phố Nối để né trạm thu phí. Điều này vừa gây thất thu ngân sách vừa phá nát đường huyện và mất an toàn giao thông.

    Cùng vì tình trạng thu phí bất hợp lý mà trong các ngày 4,5,6/9/2017, các lái xe liên tiếp dùng tiền lẻ phản đối vì cho rằng trạm BOT này đặt trên quốc lộ 5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là vô lý. Ngoài ra, các tài xế cho rằng giá phí ở đây quá cao, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như việc kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. 

    3. Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài

    Dự án BOT xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên có giá trị quyết toán đầu tư hơn 500 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).

    Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài hoạt động từ ngày 28/12/2010. Thời gian thu hoàn vốn cho dự án là trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài dự kiến là 16 năm 10 tháng. Mức phí qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện là 15 nghìn đồng/xe/lượt.

    Từ khi đi vào hoạt động, trạm thu phí này gây bức xúc cho dư luận. Dù không lưu thông vào tuyến đường tránh, các phương tiện vẫn phải trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường tránh Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc. Đặc biệt, dư luận nhiều lần đặt ra nghi ngờ về thời gian hoàn vốn của trạm thu phí này là 16 năm 10 tháng, nhưng số vốn đầu tư đường tránh Vĩnh Yên chỉ hơn 500 tỷ đồng.

    Vào đầu tháng 11/2017, chủ đầu tư đề nghị tăng phí qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài từ 10.000 đồng lên 30.000 đồng đối với ôtô dưới 12 chỗ ngồi nhưng chưa được cơ quan chức năng đồng ý.

    4. Hai trạm BOT cầu Bến Thủy


    Cầu Bến Thuỷ 1 bắc qua sông Lam, nối Nghệ An và Hà Tĩnh được xây dựng năm 1990, dài 630 m. Năm 2012, cầu Bến Thủy 2 được xây dựng thêm song song và cách cầu cũ 800 m, nằm trên trục đường BOT tuyến tránh thành phố Vinh và quốc lộ 1A mở rộng đoạn Nam Bến Thủy dài 35 km.

    Để hoàn vốn, nhà đầu tư là Tổng công ty cổ phần xây dựng giao thông Cienco 4 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) đặt trạm thu phí ở đầu hai cầu Bến Thủy 1 và 2 phía tỉnh Nghệ An. Ban đầu, giá vé qua cầu là 30.000 đồng mỗi lượt với các loại ôtô nhỏ. Tháng 1/2016, phí tăng lên 45.000 đến 60.000 đồng mỗi lượt rồi giảm xuống còn 40.000 đồng đến 55.000 đồng từ tháng 11.

    Liên tiếp nhiều ngày nghỉ cuối tuần năm 2016 và đầu năm 2017, người dân huyện Nghi Xuân căng băng rôn, xe ôtô, căng rạp ở chân cầu Bến Thuỷ để phản đối. Nhiều người dân cho rằng, việc đặt trạm BOT sai vị trí khiến họ không đi qua bất cứ mét đường BOT nào vẫn phải đóng phí.

    Sau đó, chủ đầu tư phải giảm 100% phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), loại 2 (xe 12-30 chỗ; tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) và xe buýt của chủ xe tại TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) khi đi qua trạm BOT Bến Thủy 1. 

    5. BOT quốc lộ 6 trạm Lương Sơn - Hoà Bình

    Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT có chiều dài 53,4 km. Trong đó, đường Hoà Lạc - Hoà Bình chiều dài toàn tuyến khoảng 25,6 km; đường Quốc lộ 6 chiều dài khoảng 30,36 km. 

    Kể từ khi đi vào hoạt động từ ngày 20/10/2015, trạm BOT quốc lộ 6 tại Lương Sơn - Hoà Bình đã nhiều lần bị người dân phản đối vì mức thu phí quá cao, gây khó khăn cho cuộc sống. Theo đó, mức biểu mức phí áp dụng từ ngày 1/7/2016 là 35 nghìn/lượt áp dụng cho xe dưới 12 ghế ngồi, xe buýt và xe tải dưới 2 tấn. Mức cao nhất là 200 nghìn/lượt với xe tải trọng từ 18 tấn.

    Sau khi người dân phản đối, giá vé được điều chỉnh với mức thu thấp nhất là 35.000đ/vé/lượt (đối với các xe thuộc nhóm 1) và cao nhất là 200.000đ/vé/lượt (đối với các xe thuộc nhóm 5). 

    6. Trạm phí BOT Tam Nông trên Quốc lộ 32

    Trạm thu phí BOT Tam Nông đặt tại km67+300 trên Quốc lộ 32 để thu phí hoàn vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh từ quốc lộ 32 đến Hương Nộn và nâng cấp mở rộng quốc lộ 32 đoạn từ cầu Cổ Tiết đến cầu Trung Hà theo hình thức BOT.

    Từ 6/3/2017, dự án bắt đầu thu phí để hoàn vốn trong 20 năm. Tuy nhiên ngày 13/3 vừa qua, nhiều chủ xe đã huy động ôtô chặn tại hai đầu trạm thu phí Tam Nông để phản đối mức thu phí và việc này đã làm ách tắc giao thông. 

    Sau đó, việc thu phí đã được điều chỉnh lại. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ miễn phí 100% cho xe ôtô dưới 7 chỗ (không kinh doanh vận tải) của người dân trên địa bàn hai xã Thượng Nông và Hồng Đà (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), bởi đây là hai xã gần trạm thu phí BOT Tam Nông nên phần lớn người dân thường qua lại trạm thu phí hàng ngày. Còn 6 xã còn lại của huyện Tam Nông, nhà đầu tư sẽ thực hiện giảm 50% mức phí thông thường. Đối với xe thuộc nhóm 3, 4, và 5 trên địa bàn 5 xã lân cận sẽ giảm 20.000 đồng/lượt...

    7. Trạm thu phí BOT quốc lộ 1 qua Hà Nam, đoạn tránh Phủ Lý

    Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC là nhà đầu tư dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý và tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn km215+775:km235+885 qua tỉnh Hà Nam.
    Khi dự án đưa vào sử dụng, trạm phí Nam Cầu Giẽ được đặt tại km216+513 (xã Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam). Giá vé được áp dụng là từ 25 nghìn đến 120 nghìn/lượt, thấp hơn so với nhiều trạm BOT khác.

    Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, theo phê duyệt ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.046 tỷ đồng, trong đó, phần lớn số kinh phí là đầu tư xây dựng đoạn đường tránh TP Phủ Lý. Nhiều ý kiến tỏ ra bất bình khi các đơn vị có liên quan lại cho phép chủ đầu tư đặt trạm thu phí trên QL1. Với vị trí này, các phương tiện không di chuyển qua tuyến đường tránh vẫn phải mất tiền.

    8. BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn)

    Dự án tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài 28 km là một trong 7 dự án BOT đang bị Chính phủ thanh tra. Hiện trạm BOT này đã hoàn thành mọi công đoạn xây lắp trạm và chưa đi vào thu phí nhưng người dân địa phương và các tỉnh lân cận đã kịch liệt phản đối.

    Theo lý giải của người dân, tuyến đường quốc lộ 3 có lịch sử lâu đời và hàng năm họ phải đóng phí bảo trì nên không thể để doanh nghiệp bỏ ra chút tiền sửa lại mặt đường và thu phí.

    Hiện, chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Bắc đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin rời trạm BOT.

    Minh Thư

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-mat-8-tram-thu-phi-bot-bat-hop-ly-tuong-tu-bot-cai-lay-a212129.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan