Nhiều phương án điều chỉnh mức tăng
Một trong những thay đổi đáng chú ý của dự thảo luật BHYT sửa đổi được Bộ Y tế lấy ý kiến rộng rãi thời gian qua là đưa vào lộ trình tăng mức đóng BHYT, để tới năm 2035 bằng 6% tiền lương tính đóng.
Bộ Y tế đánh giá, quy định hiện hành về mức đóng BHYT chưa tương xứng với mức hưởng. Chưa có quy định bảo hiểm có nhiều mức đóng.
Từ đó, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi vẫn quy định mức đóng BHYT tối đa bằng 6% tiền lương tính đóng (như luật hiện hành), nhưng kèm theo 3 phương án. Trong đó, có 1 phương án là giữ quy định hiện hành, tức Chính phủ quy định mức đóng theo từng thời kỳ, nhưng tối đa không quá 6% lương tháng tính đóng. Hai phương án còn lại sẽ quy định lộ trình do Chính phủ quy định, nhưng tới năm 2035 mức đóng BHYT sẽ bằng 6% lương tháng tính đóng (tức sẽ kịch trần).
Cụ thể, phương án 1 được đề xuất tăng mức đóng BHYT theo lộ trình, hiện là 4,5% tiền lương tháng, từ năm 2025 mức đóng BHYT bằng 5,1% lương tháng; sau đó tăng theo lộ trình để tới năm 2035 bằng 6% lương tháng tính đóng.
Phương án 2, từ năm 2025 mức đóng BHYT bằng 5,4% lương tháng tính đóng; sau đó tăng dần, để tới năm 2035 mức đóng BHYT bằng 6% tiền lương tháng.
Cụ thể, Điều 16 Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định, mức đóng BHYT tối đa bằng 6% lương tháng tính đóng (tuỳ mức lương từng nhóm khác nhau). Chính phủ quy định cụ thể mức đóng, mức hỗ trợ quy định tại điều này và lộ trình để đạt mức đóng 6% vào năm 2035; trên cơ sở bảo đảm cân đối quỹ và yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT.
Với nhóm tham gia BHYT hộ gia đình, điều chỉnh duy nhất là mức giảm sẽ tính tới người thứ 4 trở đi, thay vì tới người thứ 5 trở đi (bỏ mức giảm 50% tiền đóng so với người thứ nhất). Cụ thể, người tham gia BHYT hộ gia đình người thứ nhất đóng bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ 2 và 3 đóng lần lượt bằng 80% và 70% của người thứ nhất; từ người thứ 4 trở đi đóng bằng 60% của người thứ nhất (tức tăng mức đóng 10% với người tham gia BHYT hộ gia đình so với hiện nay).
Điều chỉnh là phù hợp với xu thế
Theo Bộ Y tế, việc sửa đổi nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp khả năng chi trả của quỹ BHYT; Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT….
Chia sẻ quan điểm về các đề xuất tăng mức đóng BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhìn nhận việc điều chỉnh mức đóng BHYT để chăm lo sức khỏe cho người dân, tạo nguồn lực cho người khó khăn và đủ mức chi trả cho người lao động khi tham gia BHYT.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, xu hướng chăm sóc sức khỏe nhân dân là phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên Quỹ BHYT từng bước giúp việc phòng bệnh để giảm chi tiêu cho gánh nặng bệnh tật sau này. Việc này cũng bảo đảm Quỹ BHYT tốt hơn. Thực tế có nhiều loại bệnh nếu chi 1 đồng cho phòng bệnh sau này sẽ không mất 100 đồng để chữa bệnh. Bên cạnh đó phải giảm tiền túi của người dân trong khám bệnh chữa bệnh BHYT. Làm thế nào để cho người nghèo, cận nghèo không rơi vào tái nghèo và trở lại cận nghèo khi mắc bệnh.
Theo BHXH Việt Nam hiện Việt Nam đã phủ BHYT được 91% dân số. Tại Quyết định 546/QĐ-TTg, Chính phủ giao tỉ lệ bao phủ BHYT toàn quốc năm 2022 là 92,6%; năm 2023 là 93,2%; năm 2024 là 94,1%; năm 2025 là 95,15%.
Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, sửa đổi các quy định để phù hợp với thực tiễn ở nước ta và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia là điều cần phải làm ngay. Tuy nhiên, lộ trình cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để luật ra đời đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Theo BHXH Việt Nam, hiện Việt Nam đã phủ BHYT được 91% dân số. Tại Quyết định 546/QĐ-TTg, Chính phủ giao tỉ lệ bao phủ BHYT toàn quốc năm 2022 là 92,6%; năm 2023 là 93,2%; năm 2024 là 94,1%; năm 2025 là 95,15%.
P.V