Theo đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, đề xuất tăng phí đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành gấp đôi chỉ áp dụng vào các ngày lễ, Tết.
Thông tin đăng tải trên báo Giao thông cho hay, chiều 14/2, ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đề xuất tăng mức cước phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây gấp hai lần vào giờ cao điểm so với mức phí hiện tại qua trạm thu phí Long Phước.
Mức phí này chỉ áp dụng vào các ngày nghỉ lễ, Tết. “Các ngày bình thường sẽ không áp dụng giải pháp này”, ông Tuấn Anh khẳng định.
“Mục tiêu của VEC khi đề xuất giải pháp này không chỉ nhằm hạn chế ùn tắc giao thông tại nút giao An Phú mà nó còn mang ý nghĩa lớn hơn là chống ùn tắc và điều tiết giao thông cho cả khu vực cửa ngõ của TP. Hồ Chí Minh", ông Tuấn Anh nói.
Tổng giám đốc VEC cũng cho biết thêm, để chống ùn tắc, trong quý I/2017, VEC sẽ hoàn thành lắp đặt và đừa vào vận hành hệ thống thu phí tự động trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
“VEC đề xuất Bộ GTVT cho phép cung cấp miễn phí thiết bị thẻ OBU từ gói thầu ITS cho các hãng vận tải thường xuyên sử dụng tuyến cao tốc và giảm giá phí cho cho các phương tiện lắp đặt thiết bị này để khuyến khích các phương tiện tham gia giao thông, nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án”, ông Tuấn Anh cho hay.
Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Cùng đưa tin về vấn đề này, báo VnExpress dẫn lời ông Mai Tuấn Anh, năm 2016, lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đạt khoảng 14 triệu lượt, trung bình 37.000 lượt xe/ngày - đêm, tăng mạnh so với năm 2015. Sự tăng trưởng nhanh về lưu lượng xe dẫn đến tình trạng ùn ứ tại các trạm thu phí vào cuối tuần, các ngày lễ, Tết, đặc biệt theo chiều từ Dầu Giây về TP. Hồ Chí Minh.
Đồng tình với đề xuất của VEC, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, phương án này giống như việc các sân bay thu giá dịch vụ vào giờ cao điểm khác với giờ thấp điểm để khuyến khích các hãng bay đêm. Doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp nếu muốn chi phí đầu vào thấp.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, tăng phí vào giờ cao điểm sẽ làm tăng chi phí vận tải vì các doanh nghiệp phục vụ theo nhu cầu người dân. Nhiều hành khách thích di chuyển vào ban ngày hơn là ban đêm.
Trước đó, báo Lao động đã đăng thông tin về việc VEC đề xuất phương án điều chỉnh mức phí qua trạm thu phí Long Phước thuộc tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây theo giờ.
Theo đó, VEC kiến nghị điều chỉnh mức cước phí tăng gấp 2 lần vào các khung giờ cao điểm (từ 7h - 19h) và điều chỉnh giảm 1/2 mức phí vào giờ thấp điểm (từ 19h - 7h sáng hôm sau) so với mức phí hiện tại đang áp dụng. Mức phí cụ thể của từng loại phương tiện sẽ được VEC tính toán và áp dụng trên cơ sở biểu đồ phân bổ lưu lượng giao thông.
(Tổng hợp)