Sau 10 ngày giám sát thu phí tại dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát hiện mức báo cáo chênh lệch lên đến 84 triệu đồng mỗi ngày.
Theo tin tức trên TTXVN, Tổng cục Đường bộ vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải việc kiểm tra, giám sát công tác thu phí đối với trạm thu phí Km152+080 Quốc lộ 1 dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT, do Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang quản lý và khai thác.
Liên quan đến thông tin này báo điện tử VTV đưa tin, kết quả kiểm tra, giám sát sau 10 ngày (từ 13h30 ngày 16-26/12/2016) cho thấy, số tiền thu phí sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát là 10,99 tỷ đồng, bình quân 1,099 tỷ đồng/ngày, tăng 8,27% (tương đương 84 triệu đồng) so với mức bình quân ngày của sáu tháng trước đó (1,015 tỷ đồng).
Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang được đặt tại Km152+080 địa phận tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Diễn đàn otofun) |
“Doanh nghiệp dự án phải báo cáo giải trình sự chênh lệch về mức thu bình quân ngày của 10 ngày kiểm tra, giám sát tăng 8,27% so với mức thu bình quân ngày của sáu tháng trước đó”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nêu rõ.
Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn phát hiện hệ thống thu phí tại đây tồn tại nhiều lỗi như: các máy tính tại làn có lúc bị treo; hệ thống vòng từ có lúc không nhận ra những xe container gầm cao và xe máy; có hiện trạng truyền dữ liệu bị chậm và phần mềm giám sát hậu kiểm còn hiển thị chồng ghép dữ liệu…
Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ Tổ chức, cá nhân thu phí đường bộ (dưới đây gọi chung là đơn vị thu phí đường bộ) có trách nhiệm: 1. Thực hiện thông báo công khai (kể cả niêm yết tại nơi bán vé) về đối tượng thuộc diện trả tiền phí, đối tượng được miễn phí, mức thu và thủ tục thu, nộp phí. 2. Tổ chức các điểm bán vé thuận tiện theo quy định: a) Tổ chức các điểm bán vé tại trạm thu phí thuận tiện cho người điều khiển phương tiện giao thông và tránh ùn tắc giao thông. Ngoài ra, các đơn vị thu phí cần triển khai mở rộng mạng lưới và hình thức bán vé, vừa thuận tiện cho người mua vé, vừa bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát tiền phí. b) Bán kịp thời, đầy đủ các loại vé theo yêu cầu của người mua, không hạn chế đối tượng và số lượng vé bán ra. Đối với vé lượt bán theo mệnh giá vé tương ứng với tải trọng phương tiện tham gia giao thông, không phải ghi cụ thể biển số phương tiện và thời hạn sử dụng. Đối với vé tháng, vé quý bán theo thủ tục quy định như sau: c) Tổ chức, cá nhân mua vé thu phí đường bộ, căn cứ vào điều kiện thực tế của mình để lựa chọn phương thức thanh toán: bằng tiền mặt, séc, chuyển khoản hoặc uỷ nhiệm chi trích tiền từ tài khoản chuyển sang tài khoản của đơn vị thu phí đường bộ. 3. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ các phương tiện qua trạm thu phí theo quy định: a) Thực hiện kiểm soát các phương tiện qua trạm thu phí thường xuyên 24/24 giờ trong ngày và xử lý: Đối với phương tiện thuộc diện phải trả phí đường bộ thì người điều khiển phương tiện phải xuất trình vé theo đúng quy định. Trường hợp không xuất trình vé đúng quy định hoặc sử dụng vé giả thì không được thông qua trạm thu phí, ngoài ra còn phải bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Người kiểm soát vé phát hiện hành vi gian lận vé (không có vé, vé giả hoặc vé không tương ứng với tải trọng, chủng loại phương tiện...) thì phải chuyển đối tượng sang bộ phận có thẩm quyền xử lý, tránh chậm trễ gây ùn tắc giao thông. b) Thực hiện kiểm tra đột xuất các phương tiện sử dụng vé để phát hiện vé giả, vé gian lận và xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra phải bảo đảm đúng pháp luật, tránh gây hậu quả xấu đối với những người chấp hành đúng pháp luật và gây ách tắc giao thông. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)