Mới đây, trong Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Dân số của Bộ Y tế, đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi trên báo Dân trí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đây là một trong các điều chỉnh của Bộ Y tế để đối phó với những thách thức trong công tác dân số, cũng như đảm bảo các mục tiêu dân số.
Theo Thứ trưởng Hương, dự thảo Luật Dân số khi xây dựng đã được tham khảo nhiều chuyên gia quốc tế và lấy ý kiến của các địa phương, các cơ quan, đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra 4 khó khăn, thách thức trong công tác dân số mà Việt Nam đang đối mặt. Các vấn đề này chủ yếu xuất phát từ sự phát triển kinh tế, xã hội và các yếu tố khách quan:
- Thứ nhất, mức sinh thay thế có xu hướng không đảm bảo một cách bền vững. Có sự khác biệt giữa các vùng miền và một số tỉnh thành có tỷ lệ sinh thấp hơn so với yêu cầu.
- Thứ hai là vấn đề già hóa dân số tăng nhanh.
- Thứ ba là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, ở một số vùng, sự mất cân bằng này được thể hiện rất rõ.
- Thứ tư là sự lồng ghép của chương trình dân số vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại một số địa phương chưa được thực hiện hiệu quả.
Đứng trước các khó khăn, thách thức này, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế làm đầu mối để xây dựng Luật Dân số, nhằm giải quyết khó khăn, thể chế hóa các chính sách, quy định để công tác dân số đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội, vấn đề lực lượng lao động, sức khỏe.
Liên quan đến vấn đề dân số, tờ An ninh Thủ đô dẫn lời nhiều chuyên gia y tế, dân số cũng chỉ ra, hiện nay có tình trạng nhiều người không muốn sinh con, ngại sinh con hay không thể sinh con. Nguyên nhân một phần là do chi phí nuôi con, hoặc phụ nữ tham gia nhiều hơn các công việc trong xã hội nên không muốn sinh con...
Các chuyên gia đánh giá quy định "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định..." đã không còn phù hợp với bối cảnh mức sinh thay thế đang giảm ở một số thành phố lớn hiện nay.
Theo các chuyên gia, từ thực tế có thể thấy, quy định này trong những năm qua đã không còn khắt khe như trước, nhưng để hợp pháp hóa thì cần có sửa đổi chính thức để áp dụng.