Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Các cặp vợ chồng, cá nhân tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân.
Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng, cá nhân cần bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi, dạy con tốt; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Đây là thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số - văn bản pháp luật hiện hành quan trọng nhất về dân số quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Bộ Y tế cho rằng, trao quyền quyết định số lượng con cái cho các ông bố bà mẹ sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, vẫn cần có quy định các biện pháp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước thông qua việc điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng, đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, từng tỉnh, thành phố.
Theo thống kê, mức sinh cả nước đang giảm và chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng. Khu vực kinh tế, xã hội khó khăn có mức sinh cao - rất cao, trong khi ở đô thị mức sinh xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế.
TP.HCM là địa phương có mức sinh thay thế thấp nhất cả nước hiện nay. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở TP.HCM năm 2023 là 1,32 con/phụ nữ.